Cùng dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Thay mặt Thường trực Tổ Biên tập, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập trình bày báo cáo tổng hợp kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến của các tỉnh uỷ, thành uỷ, cơ quan, tổ chức và các thành viên Ban Chỉ đạo góp ý đối với dự thảo Đề án tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các cuộc làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Báo cáo khái quát những nội dung cơ bản của các tài liệu Đề án chuẩn bị trình xin ý kiến Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào nội dung tiếp thu, giải trình của Tổ Biên tập về những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Đề án. Tại buổi làm việc, Tổ Biên tập đã trình đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo những tài liệu dự thảo của Đề án dự kiến trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Tổ Biên tập trong thời gian qua. Những sản phẩm của Đề án đã được xây dựng rất công phu, tiếp thu rất đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhất là ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm của tập thể các thành viên Tổ Biên tập, nhất là các chuyên gia, cán bộ, chuyên viên trong Thường trực Tổ Biên tập.
Đề án đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, đó là bám sát và thực hiện đúng tinh thần, nội dung của Cương lĩnh phát triển đất nước, Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; đặt xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong mối quan hệ với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu phát triển đất nước.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Đề án có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống chính trị; các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Đề án vừa phải bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quyền làm chủ của Nhân dân, sự ổn định và phát triển đất nước, vừa phải có tính đổi mới, sáng tạo, đột phá.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Do đó, đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng cả về cơ sở lý luận, chính trị và thực tiễn, kế thừa tối đa kết quả nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án để có cách tiếp thu, giải trình hợp lý, thuyết phục nhất. Trên cơ sở kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập tiếp tục khẩn trương rà soát toàn bộ các tài liệu dự thảo Đề án, các vấn đề cần xin ý kiến Bộ Chính trị, dự kiến các vấn đề cần có các phương án trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được triển khai theo Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, được Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện từ tháng 5/2021, đã huy động nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia pháp lý, cán bộ làm công tác thực tiễn tham gia.
Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức 3 hội thảo quốc gia, 3 hội nghị lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy và nhiều cuộc tọa đàm chuyên sâu để lấy ý kiến rộng rãi về Đề án; quá trình xây dựng Đề án được đánh giá cao về cách làm bài bản, dân chủ, khoa học, tạo được sự đồng thuận cao trong các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng Đề án. Đề án dự kiến sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 sắp tới.