Khâm sai đại thần Phan Kế Toại và Tổng đốc Vi Văn Định

Khâm sai đại thần Phan Kế Toại và Tổng đốc Vi Văn Định

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên có người chị ruột là bà Nguyễn Thị Mão. Bà Mão sinh năm 1903, là một trong những người  Việt Nam đầu tiên thuộc giới “nữ lưu theo đòi tân học”. Sau khi đỗ “tú tài Tây” tại Trường nữ trung học Félix Faure, Hà Nội (trường dành riêng cho các nữ sinh Pháp ở Đông Dương, mang tên một vị Tổng thống Pháp), bà Mão vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương khoá 1924-1927, cùng khoá với các ông Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, trước khoá các ông Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Lân và các bà Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Thị Yến.

Tốt nghiệp cao đẳng (chắc không dễ hơn tốt nghiệp đại học hiện nay), bà Mão về dạy toán tại Trường nữ trung học Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vương), Hà Nội. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, bà là cô giáo toán bậc trung học đầu tiên và duy nhất trong toàn cõi “Đông Dương thuộc Pháp”. Lương của bà rất cao, 120 đồng, khi mà giá một tạ gạo có... 3 đồng! Thế nhưng, hằng tháng bà chỉ giữ lại cho riêng mình 20 đồng, còn 100 đồng thì góp thêm cùng mẹ mua ngân phiếu bưu điện gửi sang Pháp giúp hai người em trai là Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng đang du học tại đấy. Chính nhờ “tấm lòng vàng” của bà mà Nguyễn Văn Huyên mới có thể tốt nghiệp cử nhân luật khoa, cử nhân văn khoa, rồi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne; và Nguyễn Văn Hưởng mới có thể đỗ cử nhân luật khoa.

Về sau, bà Mão kết duyên với cụ Phan Kế Toại khi cụ “tục huyền” (lấy vợ kế).

Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ Toại giữ chức Khâm sai đại thần, làm việc tại Bắc Bộ phủ. Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, em vợ cụ, làm đổng lý Văn phòng Phủ Khâm sai.

Lúc bấy giờ người con trai cụ Toại là anh Phan Kế An, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tham gia phong trào sinh viên cứu quốc, thường bí mật tìm mua súng cho Việt Minh, cất giấu trong ngôi nhà gạch của cụ ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) .

 Nghe phong thanh vậy, nhưng bọn Nhật chưa vội “động thủ”, mà gửi công văn cho quan Khâm sai, khuyến cáo về một “trào lưu nguy hiểm”, rồi nhắc nhở: “Rất tiếc, trong số đó có cả quý công tử!”  

Cụ Toại xem xong bức công văn, cười, rồi đưa cho anh Phan Kế An xem để đề phòng. Bọn Nhật đâu có ngờ chính quan Khâm sai cũng đã lặng lẽ mua... ủng hộ Việt Minh... 500 đồng tín phiếu!

Gần đây, trong cuốn Hồi ký Thanh Nghị, luật sư Vũ Đình Hoè kể lại: Theo gợi ý của ông Dương Đức Hiền, một nhà lãnh đạo phong trào sinh viên cứu quốc, ông Vũ Đình Hoè tìm gặp ông Nguyễn Văn Huyên, em vợ cụ Toại, nhờ ông Huyên “tháp tùng” để vào Bắc Bộ phủ “thăm” cụ. Cụ Toại ghé tai ông Hoè, nói:

             - Lính Nhật lúc nào cũng lăm lăm súng ống vây quanh toà nhà này. Ông không sợ sao mà còn dám đến chơi với tôi?

             Ông Hoè nói rõ lý do khiến ông phải “đến chơi”:

           - Anh em trí thức Hà Nội rất hoan nghênh cụ “cáo ốm”, không chịu đi hiểu dụ nhân dân “bán” thóc cho Nhật. Nhưng anh em muốn cụ làm mạnh hơn!…

          Cụ Toại liền vặn lại ông Hoè:

          - Thế ông là Việt Minh à?

          Ông Hoè bèn lảng sang chuyện khác.

          Cụ Toại mỉm cười, nói nhỏ:

         - Thôi, ông đừng giấu tôi nữa! Con cháu tôi cũng... vào Việt Minh... rồi mà!

Việt Minh chủ trương giúp cụ Toại, không để cụ bị bọn Nhật lợi dụng đàn áp cách mạng, rồi đến khi cách mạng tới, thì cụ trao lại chính quyền, tránh đổ máu. Nhưng, về sau, bị bọn Nhật o ép quá, cụ Toại đành từ chức, trao lại quyền cho ông Nguyễn Văn Chữ vào ngày 17-8-1945, chỉ hai ngày trước khi nổ ra cuộc biểu tình bao vây Bắc Bộ phủ. Lúc sắp rời chức vụ, cụ còn triệu viên chánh quản đơn vị bảo vệ Bắc Bộ phủ và viên “quan một” chỉ huy trại bảo an binh tới, dặn: Bao giờ đại diện của cách mạng đến, thì phải ra mở cổng, giao nộp vũ khí, không được nổ súng chống lại! Sau đó, cụ lui về trú tạm tại ngôi biệt thự Minh Tâm ở phố Bích Câu, rồi trở về quê ở làng Mông Phụ.

Trong một thiên hồi ký, Giáo sư Nguyễn Xiển cho biết: Tình hình biến chuyển mau lẹ, đang giữ chức giám đốc Đài Thiên văn Phủ Liễn ở Kiến An, Hải Phòng, ông đạp xe một mạch về Hà Nội, đúng vào lúc quần chúng đang bao vây Bắc Bộ phủ, bọn bảo an binh bên trong đang chờ lệnh của quan Khâm sai Nguyễn Văn Chữ (mới được Nhật đưa lên thay cụ Toại).

“Tôi liền dựng xe đạp - Giáo sư Nguyễn Xiển kể - vượt hàng rào sắt vào gặp ông Chữ, nói với ông ta: ‘Nhật đầu hàng rồi, quần chúng đang bao vây toà nhà này, các ông chống thế nào được? Để tránh đổ máu, ông nên ra gặp họ đi!’ Sau đó, ông Chữ bước ra. Còn tôi lên xe, đạp thẳng về nhà”. 

Đầu năm 1947, cụ Phan Kế Toại nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ lên Việt Bắc tham gia Chính phủ kháng chiến. Cụ cũng nhận được bức điện khẩn của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ liên khu I gửi về cho biết tình hình rất khẩn trương, mong cụ nhanh chóng rời khỏi Sơn Tây.

Cụ Vi Văn Định (hàng trước, bên trái) cùng con rể
là Giáo sư Hồ Đắc Di (hàng trước, bên phải)
và Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (hàng sau).

 

Đường lên an toàn khu Định Hoá (Thái Nguyên) dạo ấy thật gian nan. Lúc thì cưỡi ngựa, đi bộ, khi ngồi thuyền, ngồi xe trâu, thậm chí cưỡi ... trâu! Cùng lên Định Hoá vào ngày đầu nổ súng chống Pháp, còn có các cụ Bùi Bằng Đoàn, Vi Văn Định, linh mục Phạm Bá Trực...

Sau một thời gian lưu lại Định Hoá, các vị nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ấy vượt đèo De, núi Hồng, sang an toàn khu Tân Trào (Tuyên Quang), sống và làm việc trong mấy ngôi nhà sàn không xa ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quây quần quanh “mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”, bên hai bờ con “suối Lê vơi đầy”.

Trở lại mùa hè nóng bỏng năm 1946.

Mặc dù phải lo toan biết bao công việc, trước khi lên đường sang thăm nước Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên giao nhiệm vụ cho ông  Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phải đón cho kỳ được cụ Vi Văn Định về sống ở Hà Nội, kẻo “hữu sự thì không kịp”!

Cụ Vi có ba chàng rể sống ở Hà Nội, sau cách mạng, đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao trọng trách: Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Hồ Đắc Di - Hiệu trưởng Trường đại học Y kiêm Giám đốc Bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội); Tôn Thất Tùng - Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức).

Bác nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với cách mạng cả. Hãy mời cụ về Hà Nội!”

Bác còn dặn ông Vũ Đình Huỳnh phải tìm cho được những cán bộ cách mạng trước đây đã từng bị cụ Vi bắt giam, khi cụ còn là quan Tổng đốc. Phải cầm giấy mời của Chính phủ lên trân trọng trao tận tay cụ, như vậy cụ mới thấy ta không giữ hận thù mà thật lòng đoàn kết.

Ông Ba Ngọ, một cựu chính trị phạm, được giao công việc đó. Ông cùng Đoàn cán bộ Chính phủ đến Bản Chu, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Phát-xít Đức chiếm Paris. “Quân đội thiên hoàng” ngang nhiên tiến vào Đông Dương như vào chốn không người. Thế Pháp suy vi quá! Là người thức thời, năm 1942, cụ Vi xin “hưu non”, rút khỏi chức Tổng đốc Thái Bình, lui về ở ẩn tại quê hương, nơi bản vắng dưới chân núi Mẫu Sơn...

Ông Ba Ngọ tha thiết mời cụ quay trở lại Hà Nội (cụ có một toà biệt thự ở góc hồ Thiền Quang). Nhưng cụ từ chối:

- Tôi nay già yếu rồi! Chắc chẳng đóng góp được gì. Xin để cho “lão giả an chi”!

Ông Ba Ngọ cùng Đoàn cán bộ đành lui ra nghỉ tạm tại thị xã Lạng Sơn. Nhưng ông nhất quyết không chịu bỏ cuộc!

Hai hôm sau, ông và Đoàn lại quay trở vào Bản Chu. Lần này, cụ Vi không nỡ từ chối. Cụ cho mời tất cả bà con trong làng và các trại vùng quanh, tất cả khoảng vài nghìn người (cụ vốn thuộc dòng họ “thiên hộ hầu”) đến dự bữa cỗ tiễn biệt. Mổ thịt ba con bò, mấy chục con lợn. Nấu bốn, năm trăm mâm cỗ. Giữa bữa cỗ thịnh soạn, cụ bỗng đứng lên, ngước mắt nhìn  đỉnh Mẫu Sơn cao chót vót, rồi nghiêm mặt nói, giọng vang vang:

- Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho đón tôi về Hà Nội. Khi vắng tôi, con cháu cùng bà con dân bản phải làm lụng chăm chỉ như bình thường!

Nhiều người nhao nhao lên hỏi:

- Cụ đi như thế, có an toàn không?

Ông Ba Ngọ liền đứng dậy, trịnh trọng cam kết:

- Xin đồng bào yên tâm! Chính phủ Hồ Chí Minh đã đón cụ Vi đi, là bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Nhà nước ta đã giữ trọn lời hứa, chăm sóc cụ Vi cho đến lúc cụ qua đời tại Hà Nội, vào ngày 20-12-1975, thọ 96 tuổi, trong sự thương tiếc của cả đại gia đình họ Vi và sự chia buồn thống thiết của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

... Trở lại mùa hè 1946, ta và Pháp vừa ký Hiệp định sơ bộ 6-3.

Ông Vi Văn Kỳ, con trai cụ Vi Văn Định, ngụ tại phố Hàng Da, Hà Nội, đang mặc quần cộc ngồi ở gian nhà trong, bỗng nghe người giúp việc chạy vào báo có một vị “khách Tây” không mời mà đến! Hoá ra đó là một tên mật thám Pháp bí mật xin gặp để ngỏ ý mời ông Vi Văn Kỳ trở về Lạng Sơn, thay cho phụ thân là cụ Vi Văn Định, làm… “vua nước Nùng”!

Ông Kỳ hoảng quá, liền xin lên yết kiến Cụ Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang đàm phán tại Pháp) và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam, để tường trình sự việc.

Ngay sau đó, ông Kỳ bỗng nhiên “mất hút”! Ông Võ Nguyên Giáp thu xếp cho cả nhà ông Kỳ chuyển vào Thanh Hoá...

Là con trai quan tổng đốc, thế mà ông Kỳ vẫn được Bác Hồ và ông  Giáp tin cậy phân công vào làm tại Bộ Nội vụ Chính phủ kháng chiến. Cách dùng người của Bác là vậy: hết lòng tin cậy.

Quả như Bác dự đoán, nếu không kịp thời đưa cụ Vi Văn Định và  ông Vi Văn Kỳ rời khỏi xứ Lạng, ắt sẽ xảy ra tình thế “hữu sự thì không kịp”…