ND - Ngày 10-6-2009, một nhóm các nhà khoa học Ðức thuộc Trung tâm nghiên cứu I-on nặng GSI tại thành phố Ðam-xtát (Damstadt), đứng đầu là Xi-gút Hốp-man (Sigurd Hop mann) lần đầu tiên đã tạo ra nguyên tố 112 trên bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép bằng cách dùng nguyên tử kẽm bắn phá chì trên máy gia tốc.
Hạt nhân của kẽm kết hợp với hạt nhân của chì tạo thành hạt nhân của nguyên tố mới mang tên Ununbium. Nguyên tố siêu nặng này có khối lượng riêng nặng hơn hydro 277 lần. 112 chính là tổng số proton của chì (82) và kẽm (30).
Năm 1925 người ta đã phát hiện ra nguyên tố hóa học cuối cùng trong tự nhiên. Từ đó các nhà khoa học đã tìm cách để tạo ra các nguyên tố mới hơn, nặng hơn bằng thực nghiệm. Chứng minh sự tồn tại của các nguyên tố siêu nặng như Ununbium là một công việc đầy khó khăn phức tạp vì chúng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc sau đó nhanh chóng phân rã thành những nguyên tố khác.
Hiệp hội Quốc tế Hóa học Cơ bản và Ứng dụng (IUPAC) đã công nhận khám phá mới này của các nhà khoa học Ðức. Việc khám phá ra Ununbium giúp các nhà khoa học hiểu thêm sự vận động, chuyển hóa của năng lượng hạt nhân và cơ chế hoạt động của bom nguyên tử.