Khai thác hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1

NDO -

Vệ tinh quan sát trái đất lần đầu của Việt Nam (VNREDSat-1) đã được phóng lên  quỹ đạo vào 11 giờ 6 phút đêm  6-5 (giờ Guy-an, thuộc Pháp) tức 9 giờ 6 phút ngày 7-5 (giờ Việt Nam).

Vệ tinh VNREDSat-1 tách khỏi khoang chở hàng VESPA của tên lửa đẩy VEGA. (Ảnh: Internet)
Vệ tinh VNREDSat-1 tách khỏi khoang chở hàng VESPA của tên lửa đẩy VEGA. (Ảnh: Internet)

Gần hai giờ sau khi phóng, vệ tinh VNREDSat-1 đã được tách khỏi tên lửa và hoạt động độc lập trên quỹ đạo, đến thời điểm 14 giờ 30 phút cùng ngày, vệ tinh VNREDSat-1 đã phát tín hiệu về trái đất. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn GS, TS KH Nguyễn Khoa Sơn, Chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nội dung như sau:

Phóng viên (PV): Xin giáo sư cho biết cảm xúc của mình khi vệ tinh VNREDSat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo?

Khai thác hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1 ảnh 1

GS Nguyễn Khoa Sơn: Phải nói là, tôi cũng như đội ngũ cán bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) nói riêng và người dân Việt Nam nói chung hết sức vui mừng, phấn khởi trước sự kiện vệ tinh VNREDSat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo.

Từ tháng 2 đến nay, nghĩa là sau khi vệ tinh được chế tạo hoàn chỉnh và vận chuyển từ thành phố Tu-lu-dơ đến bãi phóng Kô-rô, Guy-an (thuộc Pháp), chúng tôi đã trải qua các tâm trạng khác nhau, mà trong đó không khỏi có sự lo lắng.

Ban đầu, kế hoạch của phía đối tác (Công ty Ariane Space, Pháp) sẽ phóng VNREDSat-1 vào ngày 19-4, sau đó lại chuyển vào ngày 4-5 và đến  7-5  mới thực hiện được. Việc thay đổi ngày, giờ phóng vệ tinh VNREDSat-1 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà chủ yếu là công tác kiểm tra các thông số an toàn của vệ tinh châu Âu và vệ tinh Pico của E-xtô-ni-a đi cùng; chất lượng của thiết bị phóng.

Ðiều kiện, thời tiết, gió mạnh cũng ảnh hưởng việc phóng vệ tinh. Mặt khác do tên lửa đẩy VEGA lần thứ hai phóng vệ tinh lên quỹ đạo, cho nên đối tác thấy cần kiểm tra kỹ thuật một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Ðiều đó giải thích vì sao việc phóng vệ tinh của ta chậm lại.

PV: Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh như thế nào, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Khoa Sơn: VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất (còn gọi là vệ tinh viễn thám) đầu tiên của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 được Công ty EADS Astrium (Pháp) thiết kế, chế tạo từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 2-2013 hoàn thành. Trải qua các bước kiểm tra ngặt nghèo và hàng loạt phép thử trong các môi trường phóng vũ trụ, VNREDSat-1 được cấp chứng nhận đủ điều kiện phóng vào quỹ đạo đầu tháng 3 năm nay.

Vệ tinh có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm và có trọng lượng khoảng 120 kg. VNREDSat-1 là vệ tinh quang học, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và bốn kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại sau ba ngày. Ðây là vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), bay ở độ cao hơn 650 km và tuổi thọ theo thiết kế là năm năm.

 Tuy nhiên, lịch sử ngành khoa học và công nghệ vũ trụ thế giới cho thấy, trong quá trình phóng vệ tinh viễn thám hay phóng tàu vũ trụ đưa người lên không gian đã có không ít thất bại, rủi ro khó tránh khỏi. Ðối với chúng ta, điều lo lắng nhất là khi phóng vệ tinh có thể có sự trục trặc nào đó. May là điều đó không xảy ra.

Tuy nhiên, sau khi được "ném" vào không trung, vệ tinh VNREDSat-1 nay mai hoạt động như thế nào thì còn phải chờ xem. Có thể có sự cố trong quá trình bay, hay chức năng chụp ảnh của vệ tinh kém... Những cái đó chúng ta cũng phải lường tính. Xác định trước các tình huống này, chúng ta đã mua bảo hiểm cho vệ tinh từ khi phóng sau ba tháng, lúc VNREDSat-1 hoạt động ổn định trên quỹ đạo và được phía Pháp bàn giao.

 PV: Như giáo sư cho biết, sau ba tháng hoạt động ổn định trên không gian, phía đối tác mới bàn giao cho Việt Nam quản lý và khai thác vệ tinh. Vậy điều quan trọng nhất hiện nay chúng ta cần làm là gì?

 GS Nguyễn Khoa Sơn: Khác với vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2 là vệ tinh thương mại, chúng ta hợp tác với Pháp trong việc thiết kế, chế tạo vệ tinh và phóng vệ tinh lên quỹ đạo, ngoài mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học thì nhiệm vụ chính của VNREDSat-1 là chụp ảnh viễn thám. Có nguồn ảnh từ VNREDSat-1 là bước đột phá trong việc triển khai chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Bởi lâu nay, chúng ta vẫn phải mua ảnh của nước ngoài với giá đắt và hằng tháng sau mới có ảnh.

Có vệ tinh VNREDSat-1, chúng ta chủ động trong việc chụp và cung cấp nguồn ảnh vệ tinh có độ phân giải cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp; thăm dò tìm kiếm khoáng sản; theo dõi diễn biến của thiên tai như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu trên biển và ứng phó biến đổi khí hậu...

Cho nên, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao khai thác có hiệu quả nguồn ảnh chụp từ vệ tinh. Muốn vậy cần có sự phối hợp hoạt động một cách chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ba đơn vị là Trung tâm Ðiều hành (Viện HLKH và CNVN), Trung tâm Thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc), và Trạm thu ảnh vệ tinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với hoạt động của vệ tinh VNREDSat-1 trên quỹ đạo.

Trong hai năm 2011 - 2012, chúng ta đã gửi sang Pháp đào tạo 15 cán bộ về vận hành, khai thác vệ tinh VNREDSat-1, nhưng như thế vẫn thiếu hụt lớn về nhân lực. Viện HLKH và CNVN phối hợp các bộ, ngành đang có kế hoạch tuyển chọn từ nay đến năm 2016 hàng trăm cán bộ để đưa sang các nước Nhật Bản, Pháp, Bỉ... đào tạo các chuyên ngành phục vụ lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Nhằm không chỉ khai thác có hiệu quả nguồn ảnh viễn thám từ vận hành vệ tinh VNREDSat-1 mà còn hướng tới làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ vào năm 2020, khi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc hoàn thành và đi vào hoạt động.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.

NGUYỄN KHÔI (Thực hiện)