Cùng dự, có các đồng chí: Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp; Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Sơn Minh Thắng; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, Bùi Minh Châu; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thanh Hóa; lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ, đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; cùng 348 đại biểu đại diện gần 70.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh về dự Đại hội.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu rõ: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp được quan tâm thường xuyên. Trong đó tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của Đảng được Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch vững mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021, khắc phục sự chồng chéo, giảm nhiều đầu mối, tinh giản nhiều biên chế; mỗi năm tiết kiệm chi ngân sách được hàng trăm tỷ đồng. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã giảm được bốn đầu mối trực thuộc tỉnh, 227 đầu mối cấp phòng, giảm 150 lãnh đạo; tinh giản 2.822 biên chế và 11.415 người hoạt động không chuyên trách; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đáp ứng nhiệm vụ mới; xóa bỏ cơ chế đặc thù của 16/19 tổ chức hội; thực hiện khoán xe công và giao tự chủ tài chính cho một số đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tăng cao hơn giai đoạn trước và cao hơn so bình quân chung của cả nước, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,1%/năm; quy mô nền kinh tế không ngừng tăng, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so năm 2015; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 105 triệu đồng/người, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (5,8%/năm); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng...
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được hình thành, nâng cao giá trị thu nhập, bước đầu thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tăng cường, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chú trọng, phong trào xây dựng cống rãnh thoát nước trong khu dân cư diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi, đem lại nhiều kết quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc...
Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Đồng chí nêu rõ, năm năm qua, kinh tế của tỉnh có mức phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, là một trong năm tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, đặc biệt thu nội địa luôn đứng ở tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của miền bắc; là tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương trong số các tỉnh miền bắc. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày một khang trang, văn minh, hiện đại…
Cùng với những kết quả đạt được, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế của tỉnh phát triển nhưng chưa có sự đột phá, đang có dấu hiệu chậm lại; môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, sử dụng các nguồn lực và thực hiện các đột phá chiến lược còn có mặt hạn chế, bất cập. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của một số đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, việc thực hiện tinh giản biên chế còn chậm, hiệu quả chưa cao…
Đồng tình với các định hướng phát triển, quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá đã đề ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh cần khai thác mọi nguồn lực để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tẩng giao thông. Chú trọng bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng con người Vĩnh Phúc hướng đến chân - thiện - mỹ, giàu lòng yêu nước, giàu khát vọng vươn lên. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng bộ, hiện đại, với các loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc, trước hết là vấn đề thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường. Củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ, nhất là Vĩnh Phúc có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ Thủ đô. Tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Quy định nêu gương, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, phân cấp, phân quyền phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục làm việc và kết thúc vào ngày 15-10.