Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Khắc phục và loại trừ “tư tưởng dân tộc hẹp hòi”

Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ rõ là “tư tưởng dân tộc hẹp hòi”. Cần khẳng định đây là nội dung hết sức quan trọng, bởi nếu không được khắc phục và loại trừ, “tư tưởng dân tộc hẹp hòi” sẽ có thể tác động tiêu cực tới việc triển khai, thực hiện đường lối, chính sách ưu việt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, đồng thời ảnh hưởng đến sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân.

Trong lịch sử phát triển của các hình thức tổ chức cộng đồng người, dân tộc được coi là hình thức tổ chức hoàn chỉnh nhất. Sự ra đời của dân tộc gắn liền với những yếu tố cơ bản có quan hệ chặt chẽ như: cộng đồng về lãnh thổ, cộng đồng về kinh tế, cộng đồng về văn hóa, tâm lý, tính cách,… và tổng hòa của các yếu tố này làm nên nội lực của một dân tộc. Tuy nhiên, sau một quá trình biến chuyển lâu dài và phức tạp, dần dà cộng đồng về lãnh thổ chỉ còn có ý nghĩa tương đối, vì thế đến thời hiện đại, hiện tượng một quốc gia thuần nhất về dân tộc là không nhiều, và hiện tượng một quốc gia có nhiều dân tộc cùng chung sống là phổ biến.

Trên thực tế, về cơ bản trong một quốc gia, do trình độ phát triển khác nhau mà các dân tộc thiểu số thường tập trung quanh một dân tộc có số lượng cao nhất trong tỷ lệ dân cư và phát triển hơn về văn minh, thường được gọi là "dân tộc chính", như ở Việt Nam là người Việt (còn gọi là người Kinh). Và đáng chú ý là trong lịch sử Việt Nam, từ nhãn quan có tính miệt thị khi đề cập các cộng đồng dân tộc bị coi là "man di" vốn ra đời trong các giai đoạn lịch sử trước, từ chính sách "chia để trị" của chủ nghĩa thực dân với thủ đoạn kích động để chia rẽ, gây thù hằn giữa các dân tộc,… mà trong một số người Việt đã hình thành, hoặc bị lây nhiễm "tư tưởng dân tộc hẹp hòi". Từ đó đẩy họ tới lối ứng xử: với quan hệ trong nước thì thường tự phụ, kỳ thị dân tộc sống xa trung tâm và có trình độ văn minh kém phát triển hơn; với quan hệ quốc tế thì hoặc tự ti trước các dân tộc có nền văn minh phát triển ở trình độ cao hơn, hoặc là xem thường các dân tộc còn thua kém…

Sau khi giành lại độc lập và xây dựng nhà nước quân chủ ở Việt Nam, các triều đại phong kiến trước đây đã sớm nhận thức được tính chất nhiều dân tộc của quốc gia và đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giải quyết, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ðến thế kỷ 20, khi xác định mục tiêu, phương hướng của cách mạng, Ðảng Cộng sản Việt Nam cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vấn đề dân tộc có vai trò, vị trí đặc biệt, là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là cơ sở để xây dựng hệ thống quan niệm, chủ trương, chính sách phù hợp với mỗi thời kỳ cách mạng, mà xuyên suốt trong đó là nguyên tắc nhất quán: các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau, cùng phát triển.

Giải quyết tốt vấn đề dân tộc đã trực tiếp góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng trong đấu tranh giành lại độc lập, trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, Ðảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm, chính sách nhất quán về vấn đề dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới.

Các Ðại hội đại biểu toàn quốc của Ðảng đều khẳng định vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, như Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã xác định: "Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số… Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc".

Sau hơn 30 năm của sự nghiệp Ðổi mới, phải khẳng định từ sự quan tâm thiết thực, cụ thể của Ðảng và Nhà nước, ngày nay đời sống vật chất - tinh thần của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách xóa đói, giảm nghèo, qua các công trình điện - đường - trường - trạm,… và nỗ lực tự thân của đồng bào các dân tộc thiểu số đã đem tới diện mạo mới ở rất nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Có thể nhận thấy các thành tựu này qua sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa; hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng theo hướng tích cực; các chính sách, chương trình, dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân được cải thiện; mặt bằng dân trí đã nâng cao… Tuy nhiên, trong khi nhấn mạnh "sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ", Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đã chỉ rõ một hạn chế quan trọng là: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân", và thiết nghĩ, đối với vấn đề dân tộc, hạn chế này quan hệ trực tiếp tới hiện tượng "tư tưởng dân tộc hẹp hòi".

Trong những năm tháng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến, hình ảnh cán bộ, đảng viên "ba cùng" với nhân dân đã in đậm dấu ấn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với các thế hệ đi trước, "ba cùng", một mặt để tuyên truyền đường lối của Ðảng, vận động bà con tham gia cách mạng; một mặt để nắm bắt, thấu hiểu đặc điểm văn hóa, suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, qua đó đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp. Ngày nay, hình ảnh "ba cùng" có lúc, có nơi như đã phai nhạt, thực tế còn cho thấy, có cán bộ, đảng viên ở một số địa phương lại chọn lối ăn nói bỗ bã, xô bồ để ứng xử với đồng bào, thậm chí có người coi "uống rượu" là cách thức gần gũi đồng bào dân tộc thiểu số, là biểu hiện tác phong quần chúng!

Cũng phải nói rằng, việc cán bộ, đảng viên ở cơ sở quan hệ với đồng bào bằng biện pháp hành chính thông qua các cơ quan chính quyền cấp cơ sở đã tạo cơ hội cho "tư tưởng dân tộc hẹp hòi" nảy nở, thường thể hiện qua hai loại hiện tượng: một số cán bộ, đảng viên là người Việt có biểu hiện chưa coi trọng, kỳ thị đồng bào dân tộc thiểu số, quá quan tâm tới lợi ích của người Việt; một số cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số thì lại tự ti, hoặc e ngại không đấu tranh, không chú ý tới lợi ích của đồng bào các dân tộc khác… Cả hai loại hiện tượng này đều là lực cản sự phát triển, có thể đẩy tới tác hại khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến tính ưu việt, nhân văn trong đường lối và chính sách dân tộc, làm phai nhạt niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Ðảng và Nhà nước; tạo điều kiện nảy sinh tệ quan liêu, tham nhũng; tạo cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, vu khống…

Do đó, để đường lối, chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước luôn đạt hiệu quả thiết thực, mọi cán bộ, đảng viên cần khắc phục, loại trừ "tư tưởng dân tộc hẹp hòi" trong nhận thức và hành động, nhất là cán bộ, đảng viên đang công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chỉ trên cơ sở quán triệt các nội dung được khoản 2 - 3, Ðiều 5 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013: "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình", quán triệt nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách về vấn đề dân tộc thì mỗi cán bộ, đảng viên mới có thể nhận thức sâu sắc, và tự ý thức về sự cần thiết phải khắc phục, loại trừ "tư tưởng dân tộc hẹp hòi" trong khi trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách, tham gia tổ chức, quản lý, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển đạt tới mặt bằng chung của xã hội. Ðồng thời, cùng với việc tổ chức, đào tạo, hướng dẫn,… cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm của mình, các tổ chức đảng và chính quyền từ trung ương đến địa phương cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có biểu hiện của "tư tưởng dân tộc hẹp hòi".