Khắc phục hậu quả vụ sập cầu Cần Thơ: Nỗ lực cao nhất trong công tác cứu hộ, cứu nạn

Cứu hộ tìm kiếm các công nhân mất tích.
Cứu hộ tìm kiếm các công nhân mất tích.

Ngay sau khi tai họa xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn đã được tiến hành hết sức khẩn trương. Ðội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế đã tham gia sơ cứu, vận chuyển và hết lòng cứu chữa các nạn nhân.

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện thăm hỏi, gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và chỉ đạo khẩn trương làm tốt công tác tìm kiếm, cứu chữa các nạn nhân. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến tận hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả; đến bệnh viện thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương, và thăm hỏi, chia buồn với một số gia đình nạn nhân ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Chiều 30-9, lễ truy điệu những người tử nạn do sự cố công trình xây dựng cầu Cần Thơ đã được tổ chức trọng thể tại bờ bắc sông Hậu, nơi xảy ra thảm họa. Hàng nghìn người đã đổ về bên bờ sông Hậu, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã khuất!

Hết lòng, hết sức cứu người bị nạn

Trong những ngày qua, nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn  luôn được đặt lên hàng đầu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường. Khoảng 400 nhân viên cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 9, Tổng cục CSND, các nhà thầu, chia làm ba ca liên tục tìm kiếm.

Khó khăn lớn nhất là mặt bằng cứu hộ, cứu nạn rất chật hẹp; khối lượng bê-tông, sắt thép đổ sập quá lớn. Chín máy bắn bê-tông, 12 cần cẩu trọng tải lớn và nhiều xe chuyên dụng đã được huy động. Lực lượng cứu hộ đã khẩn trương khoan cắt những mảng bê-tông lớn, nhằm tạo đường cho lực lượng cứu hộ lành nghề sử dụng công cụ cầm tay tiếp tục cắt khoan những nơi nghi ngờ có người mắc kẹt phía dưới.

 Sang ngày thứ sáu, công tác tìm kiếm ba nạn nhân còn lại vẫn đang tiếp tục, mọi việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trên công trường cứu nạn đèn cao áp luôn được bật sáng.  Lực lượng y tế trong trang phục nơi có dịch sẵn sàng nước sát trùng, cáng cứu thương, thuốc men. Ở cả hai khe của các trụ, lực lượng cứu hộ đều hàn thép thiết lập một đường dẫn để đưa phương tiện máy móc vào tận các vị trí được nghi ngờ là có nạn nhân. Riêng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp của Philippines đã sử dụng búa nén khí, búa nén hơi vừa được Nhà thầu Nhật Bản chuyển đến để khoan cắt bê-tông hộp dầm thân cầu trụ 15, tức là trụ hướng gần bờ sông Hậu.

Một kỹ sư tham gia cứu hộ cho biết, do thân cầu sập được cấu kiện đúc bê-tông, song bên trong rỗng và được kết cấu giằng thép, nên dưới ánh sáng của đèn hơi có thể thấy hàng mét nước. Lực lượng cứu hộ đã phải dùng các máy bơm để rút dần nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định là, trong các hộp dầm bê-tông ở trụ này không còn thi thể nạn nhân nào. Do vậy, các lực lượng sẽ tìm kiếm theo hướng khoét sâu xuống dưới các kẽ bê-tông cắm xuống lòng đất. Ðể bảo đảm tuyệt đối an toàn cho những người cứu nạn, cứ 15 phút một lần nhà thầu TKN Nhật Bản đã sử dụng máy đo độ chuyển động của các khối bê-tông để thông báo với lực lượng cứu hộ. Rất mừng là suốt trong những ngày qua vẫn chưa phát hiện độ lún cũng như sự dịch chuyển của các khối bê-tông.

Việc tìm kiếm tập trung vào phá dỡ miếng bê-tông mặt cầu trụ 13, nghi có nạn nhân phía dưới cũng được tiến hành thâu đêm. Theo kỹ sư nhà thầu TKN, lượng sắt thép không còn sử dụng được quá nhiều và bê-tông bắt đầu đông cứng, khiến công tác cứu hộ khó khăn hơn những ngày qua. Ðến

2 giờ 30 phút sáng 30-9, đội cứu hộ mở được  một lỗ trên tấm bê-tông mặt cầu 13, nhưng không tìm thấy được thi thể nào. Nỗi thất vọng hiện rõ trên nét mặt những người làm công tác cứu hộ, song họ lại tỏa đến những vị trí khác tiếp tục công việc của mình.

Trong gian khổ, đau thương, càng thấy sâu sắc hơn tình cảm và những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sĩ ta. Với thân nhân các nạn nhân, mầu xanh quân phục bộ đội của người lính đã trở nên thân thuộc suốt mấy ngày qua. Ðại úy Trần Xuân Hợi, Chính trị viên Ðại đội 11, Tiểu đoàn 4, Ðoàn công binh H5 kể: Ðại đội anh có 27 chiến sĩ, ngay buổi chiều hôm xảy ra tai nạn, tất cả đã bắt đầu việc tìm kiếm bằng tay, đến hôm nay, anh cho chia thành hai kíp, thay phiên nhau để có thể duy trì việc tìm kiếm suốt ngày đêm.

Có mặt tại hiện trường sau gần 20 phút xảy ra vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ vào sáng 26-9, Ðại úy Bùi Văn Bình, Ðội trinh sát - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long cùng các lực lượng khác đã trực tiếp đưa ra khỏi hiện trường hơn 130 công nhân; trong đó bản thân anh đã trực tiếp và gián tiếp đưa gần một nửa số công nhân ra khỏi hiện trường. Ðại úy Bùi Văn Bình kể lại, các anh đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp tham gia cứu nạn từ rất sớm. 

Ðược trang bị găng tay và khẩu trang, mũ bảo hộ, các chiến sĩ đã tiếp cận hiện trường, dùng các biện pháp thủ công luồn vào đống bê-tông đổ nát, moi từng thanh sắt, bê-tông vụn để tìm kiếm xác nạn nhân. Ba ngày qua anh đã cùng các lực lượng khác túc trực ngày đêm bốc hơn 30 xác công nhân ra khỏi hiện trường.

Cả nước hướng về Cần Thơ, Vĩnh Long

Ðến các xã Mỹ Hòa, Ðông Bình, Ðông Thành của huyện Bình Minh những ngày này, ở đâu cũng ngập tràn một không khí bi thương, tang tóc. Những bàn thờ được lập lên vội vã, những người đã mất đa số còn rất trẻ và đều là trụ cột của gia đình.

Trong vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là địa phương có số người bị chết nhiều nhất với 37 người chết và 47 người bị thương. Ba người mất tích đều ở xã Mỹ Hòa. Nỗi đau này  đang đè nặng lên nhiều gia đình trong huyện.

Chiếc xe ôm đưa chúng tôi vượt qua những đoạn đường trơn trượt, sình lầy để đến thăm gia đình nạn nhân Trần Ngọc Toản, ở ấp Phù Ly 2, xã Ðông Bình. Mặc dù đám tang của anh Toản đã được lo chu đáo song vợ anh, chị Phan Thị Loan trên khuôn mặt vẫn chưa hết thất  thần. Chị kể, hai vợ chồng nghèo lắm. Lâu nay chỉ biết làm thuê để sống qua ngày. Mới đây, cha mẹ cho ở riêng, được tiền hỗ trợ hộ nghèo nên cất được căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng. Hôm nghe tin cầu bị sập, chị nháo nhào chạy ra hiện trường, sau đó, được tin xác anh đã được chuyển về Bệnh viện 121, nỗi đau như nhấm chìm chị xuống. Bây giờ mất anh, chị chưa biết làm gì để nuôi con, bởi lâu nay anh Toản là người làm lụng nuôi cả gia đình.

Không chỉ có gia đình chị Phan Thị Loan gặp khó khăn mà rất nhiều gia đình khác có người thân bị thiệt mạng trong vụ sập cầu đều lâm cảnh túng thiếu. Anh Phạm Thanh Hùng ở ấp Mỹ Hòa  2, xã Mỹ Hòa bị thiệt mạng, bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ dại, bơ vơ. Hôm làm đám tang anh, do nhà quá tạm bợ, gia đình quyết định phải tổ chức ở bên gia đình nhà vợ. Hiện người vợ trẻ cũng chưa biết rồi đây sẽ phải xoay xở ra sao đối với cuộc sống hằng ngày và những đứa trẻ mồ côi cha.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sập cầu, đồng bào cả nước đã hướng về Cần Thơ, Vĩnh Long, dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Ngay buổi chiều ngày 27-9, Văn phòng QH đã tổ chức quyên góp giúp đỡ các gia đình nạn nhân, với sự tham dự của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Phó Chủ tịch QH, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH. Ðến nay đã có hàng trăm địa phương, đơn vị, tập thể quyên góp ủng hộ với số tiền gần năm tỷ đồng, mong làm vơi đi phần nào nỗi đau của các gia đình nạn nhân và của cả cộng đồng.

Trước mắt, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 30 triệu đồng; hỗ trợ năm người bị thương rất nặng, mỗi người 20 triệu đồng; hỗ trợ mỗi người bị thương nặng 10 triệu đồng.

Thông tin bước đầu về nguyên nhân

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần khẩn trương xác định rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm quá trình thi công tiếp theo đúng tiến độ và chất lượng của công trình, tuyệt đối không để sự cố tương tự  xảy ra.

Nguyên nhân ban đầu, theo một số nhà quản lý, các chuyên gia của ngành giao thông - vận tải là: thảm họa xảy ra do những lỗ hổng trong quản lý và chất lượng giám sát, chất lượng thi công, mà chủ yếu ở giai đoạn thi công. Việc sập hai nhịp cầu dẫn có thể do sự không ổn định của giàn giáo, các trụ tạm đỡ giàn dáo quá yếu, dẫn tới sự xê dịch, không đỡ nổi toàn bộ trọng lượng của gần 6.000 tấn bê-tông, sắt thép đã được đổ trên mặt cầu.

Một thông tin đáng quan tâm: Trụ cầu B13 và B5 được khoan tới độ sâu 79 + 2m. Nhưng trụ cầu B14 khi tới độ sâu 67 - 68 m thì mũi khoan đụng đã chẻ, bị cong vênh. Nhà thầu đã dừng khoan và cho đổ móng. Như vậy, có thể trụ cầu B14 khoan chưa đạt độ sâu thiết kế nên đã bị lún.

Tới đây, các nguyên nhân sẽ được điều tra, làm rõ, nhưng rõ ràng từ đây đã có thể rút ra bài học sâu sắc về công tác tư vấn thiết kế, kỹ thuật, tổ chức thi công; các biện pháp nghiêm ngặt trong quá trình thiết kế; giám sát chặt chẽ từng công đoạn thi công.

Về lực lượng lao động, đã thấy bộc lộ rõ sự lỏng lẻo trong quản lý người lao động. Nhà thầu chính và nhà thầu phụ đã không có kế hoạch bài bản, chi tiết sử dụng số nhân lực được đào tạo, theo quy định của một công trình đấu thầu quốc tế cần có. Số đông lao động được tuyển chọn gấp (chủ yếu ở tỉnh Vĩnh Long) chưa qua đào tạo; nếu như họ không có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì phải xem xét, xử lý nghiêm theo pháp luật - như khẳng định của Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng.