Tuổi trẻ Lối sống

Khắc phục hạn chế, bất cập trong phong trào thanh, thiếu nhi

Nhìn lại những kết quả thực tiễn thời gian qua, có thể nhận thấy công tác đoàn và phong trào thanh niên có một số hạn chế về giáo dục tư tưởng, chưa thật sự bền vững, khả năng lan tỏa chưa cao, chưa thật gắn với nhân tố quan trọng là các bạn trẻ và những vấn đề liên quan như khởi nghiệp, việc làm, phát huy tài năng.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn huyện ở Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh do Trung ương Đoàn cung cấp)
Đoàn viên, thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn huyện ở Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh do Trung ương Đoàn cung cấp)

Những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn Thanh niên cả nước đã xung kích, tích cực đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số trong mọi hoạt động, phong trào của tuổi trẻ. Trong đó, có đề án chuyển đổi số do Trung ương Đoàn triển khai nhằm nắm bắt chính xác khối lượng công việc tới tận cấp chi đoàn; việc tiết kiệm chi phí tổ chức, giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận các hoạt động đoàn bằng phương pháp livestream trên các nền tảng số….

Tuy nhiên, công tác đoàn và phong trào thanh niên cả nước cũng bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế liên quan đến việc nắm bắt tình hình thanh thiếu nhi, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các bạn trẻ, tìm kiếm giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức đoàn trong tình hình mới, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức đoàn ở nhiều nơi còn chưa kịp thời, chưa đi sâu nắm bắt tư tưởng của người trẻ, nhất là một bộ phận thanh niên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Tình trạng này không chỉ xuất phát từ "làn sóng ngầm" liên quan đến âm mưu diễn biến hòa bình, sự chống phá của các thế lực thù địch hay tệ nạn xã hội trong cộng đồng, mà còn do một số cơ sở đoàn chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, yếu về lực lượng, cho nên chưa đủ "lực" để quan tâm đến đoàn viên, thanh niên ở địa phương, khu vực phụ trách.

Cũng chính vì yếu tố trên, không ít mô hình hoạt động của Đoàn Thanh niên có "tuổi thọ" chưa cao, thiếu tính bền vững và sự "dài hơi" cần thiết để có thể vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, do thói quen "rập khuôn" trong triển khai các chương trình, phần việc thanh niên cho nên dẫn tới việc hàm lượng tri thức, tính sáng tạo sụt giảm. Vì thế, ở nhiều địa phương, cộng đồng đã hình thành nếp nghĩ nhiệm vụ của tổ chức đoàn chỉ đơn thuần mang tính "chân tay".

Muốn tăng cường hàm lượng tri thức trong các hoạt động đoàn, các thủ lĩnh thanh niên cần trở thành những lá cờ đầu về sáng tạo, chuyển đổi số. Tiêu biểu như trong hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, lực lượng cán bộ đoàn cần trăn trở hơn nữa về công tác phân loại, tái chế rác, có giải pháp hình thành lối sống xanh trên các địa bàn khu dân cư, cơ quan, đơn vị… thay vì chỉ đơn thuần xoay quanh việc thu gom rác thải.

Việc sử dụng mạng xã hội để đoàn kết, tập hợp thanh niên trên môi trường internet, người cán bộ đoàn không chỉ đăng tải các nội dung tuyên truyền, giáo dục đơn thuần, mà cần tăng cường tương tác, giải đáp thắc mắc cho đoàn viên, thanh niên trong trường hợp cần thiết…

Để làm được những điều nêu trên, các cấp bộ đoàn cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hóa về trình độ, vững về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn và thật sự là người bạn đồng hành với thanh thiếu nhi, nhất là những vấn đề liên quan mật thiết đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của các bạn trẻ.

Không những vậy, các thủ lĩnh thanh niên còn cần thật sự nhạy bén triển khai những chương trình, phần việc có thể phát huy ưu thế, khắc phục hạn chế của đoàn viên, thanh niên địa bàn, khu vực phụ trách.

Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, thanh niên luôn có lợi thế về khả năng thích nghi, học hỏi nhanh và sức sáng tạo lớn. Vì vậy, lực lượng cán bộ đoàn càng phải nhạy bén, có trình độ lý luận tốt, kỹ năng dẫn dắt bài bản, từ đó bắt nhịp rồi mới có thể đi trước định hướng, dẫn đường cho thanh niên.

Tổ chức đoàn các cấp cần đồng hành với cán bộ đoàn, với thanh niên, nhất là cùng vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát vướng mắc, bất cập, kiểm tra kết quả các phong trào, mô hình, phần việc để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn cấp trên những giải pháp cải tiến phương thức hoạt động của đoàn một cách thiết thực, chất lượng, hiệu quả.