Nếu không nhanh chóng bù đắp các “lỗ hổng”, khắc phục những bất cập hiện hữu thì tình trạng thiếu nguồn cung sẽ còn xảy ra, đồng thời những tình trạng như găm hàng, đẩy giá bán, gây lũng đoạn thị trường, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng sẽ còn tồn tại và tái diễn.
Nhiều bất cập
Tại cuộc họp báo, giải thích hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại nhiều địa phương xảy ra gần đây, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.
Cụ thể, trong quý II vừa qua, do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trục trặc, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được yêu cầu phải tăng mạnh lượng nhập khẩu. Đây lại là giai đoạn giá xăng dầu cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang quý III, giá xăng dầu thế giới giảm liên tiếp khiến giá bán lẻ trong nước giảm theo, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Cộng thêm tín dụng bị thắt chặt, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ làm nhiều doanh nghiệp đầu mối không đủ nguồn tài chính để nhập hàng, chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng, dẫn đến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ và đành cắt giảm sản lượng kinh doanh. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến thiếu xăng dầu cục bộ tại một số nơi.
Tuy nhiên, ông Đông cũng phải thừa nhận một nguyên nhân khác là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi các chi phí này lại chưa được cơ quan quản lý nhà nước (liên Bộ Công thương-Tài chính) tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho nên doanh nghiệp đành hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.
Chia sẻ về những khó khăn này, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, đơn vị đang đối mặt nhiều khó khăn trong kinh doanh xăng dầu do mức chiết khấu thấp, có thời điểm chiết khấu khoảng 50-70 đồng/lít, thậm chí 0 đồng/lít, dẫn đến thu không đủ bù chi. Trên thực tế, mức chiết khấu phải đạt từ 1.300 đến 1.500 đồng/lít mới đủ bù đắp các khoản chi phí, giúp đơn vị duy trì hoạt động.
Ngoài ra, do nguồn cung không ổn định, thường xuyên bị gián đoạn khiến doanh nghiệp đối diện tình trạng “khó chồng khó”. Nếu tiếp tục kinh doanh sẽ càng thua lỗ, nhưng nếu dừng hoạt động, lực lượng chức năng kiểm tra thấy còn hàng, thì sẽ bị xử phạt, thu hồi giấy phép.
Phần lớn doanh nghiệp khẳng định, việc kinh doanh thua lỗ, nguồn hàng bị đứt gãy thời gian qua là hệ quả tất yếu của những cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân chính do các chi phí như vận chuyển, logistics, phí hao hụt, bảo quản bồn bể,... chưa được tính đúng, tính đủ đưa vào cấu thành giá cơ sở xăng dầu khiến doanh nghiệp bị “đội” chi phí lên rất nhiều.
Vì vậy, liên Bộ Công thương-Tài chính cần nghiên cứu, đưa ra giá bán lẻ hợp lý, bảo đảm chi phí lưu thông, tránh hạ giá lấy thành tích nhưng tăng lỗ cho doanh nghiệp. Về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, quy định hiện nay sẽ điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 trong tháng, không nên điều chỉnh lùi thời gian điều hành khi có các kỳ nghỉ. Thực tế cho thấy, có kỳ nghỉ kéo dài đến năm ngày, thậm chí là chín ngày, trong khi thị trường xăng dầu biến động liên tục.
Khi giá thế giới thay đổi, chỉ một ngày sau mức chiết khấu đã thay đổi, do đó, cần phải có sự điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường. Đồng thời, nghiên cứu rút ngắn thời kỳ điều hành giá xuống từ năm đến bảy ngày, lúc đó sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, hạn chế tình trạng “găm hàng”, đợi giá cao mới bán.
Tính giá cơ sở sát với thực tế
Trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu đứt gãy tại nhiều địa phương, Bộ Công thương vẫn nhiều lần khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu khi hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất hiện đáp ứng khoảng từ 75% đến 80% nhu cầu nội địa, số lượng thiếu hụt sẽ được giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung trong nước.
Liên quan vấn đề này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viện Tài chính) chia sẻ, Bộ Công thương đã nhiều lần nhận định nguồn cung xăng dầu không thiếu, điều này đúng nếu cân đối về sản lượng tiêu thụ và sản lượng nhập khẩu nhưng thiếu cục bộ theo thời điểm, theo địa bàn.
Do đó, các phản hồi từ doanh nghiệp cũng như thực tiễn của thị trường cần được ghi nhận và nắm bắt để có những điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, có một số trường hợp doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thấy giá bán ra thấp hơn giá nhập nên “găm hàng” chưa bán, gây thiếu hụt tạm thời. Đây là hệ quả của bất cập trong việc áp giá bán.
Gần đây, Bộ Công thương đã rút giấy phép với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong khi quy định các doanh nghiệp bán lẻ chỉ được mua của một doanh nghiệp đầu mối duy nhất. Đây cũng là một trong những lý do giải thích việc tổng nguồn cung không thiếu nhưng thiếu cục bộ ở một số thời điểm, vùng miền, địa bàn thời gian qua.
“Đã đến lúc, Bộ Công thương cần cân đối lại lượng cung cầu, làm sao để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bình ổn. Đồng thời, xem xét ở nhiều góc độ trong vận hành cơ chế điều hành để cân đối, có thể áp dụng các biện pháp kinh tế mạnh, song cũng nên tránh những cú sốc như vừa qua khi thu hồi giấy phép của một số doanh nghiệp đầu mối, dẫn đến hiệu ứng ngược không như mong muốn” - PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Trả lời tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết thời gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai tám giải pháp để góp phần sửa chữa những “đứt gãy” và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Trong đó, Bộ sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực nhập khẩu hay mua xăng dầu trong nước.
Bên cạnh việc theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp theo quy định, các cơ quan liên quan cần ban hành các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt, tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Riêng về vấn đề nhiều doanh nghiệp rất quan tâm là điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dù chi phí đưa xăng dầu nhập khẩu về cảng và premium (chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu) trong nước đã được Bộ Tài chính điều chỉnh vào áp dụng từ ngày 11/10 trong giá xăng dầu cơ sở, nhưng chi phí này vẫn tiếp tục tăng rất cao.
Để bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức chi phí này bù đủ cho chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải bỏ ra.
Bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong quý IV Tại cuộc họp diễn ra sáng 12/10, Bộ Công thương đề nghị các nhà máy lọc dầu vừa tăng lượng sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước, vừa có biện pháp hỗ trợ giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đặt mua hàng theo hợp đồng đã ký; đồng thời sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực đang thiếu xăng dầu cục bộ, từ đó kịp thời bổ sung nguồn hàng cho cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ rà soát việc nhập khẩu cũng như tổng nguồn được giao cho thương nhân đầu mối nhằm bảo đảm đủ nguồn cung cho quý IV. Trần Duy Đông Vụ trưởng Thị trường trong nước |