Những quan điểm mới về lợi thế cạnh tranh
Lâu nay, Việt Nam vẫn được coi là quốc gia có lợi thế rất lớn từ nguồn tài nguyên sẵn có và chi phí lao động rẻ. Những DN sử dụng nhiều lao động thủ công như các ngành dệt may - da giày, thủ công mỹ nghệ đã chiếm ưu thế vì có thể tạo ra những sản phẩm có chi phí thấp hơn những sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Tuy nhiên, hạn chế của các lợi thế này là nó tồn tại trong trạng thái tĩnh, không tính đến sự di chuyển tự do của các nguồn lực từ nơi này sang nơi khác. Việc xuất khẩu tài nguyên ở dạng thô, việc "lấy công làm lãi" ở một số ngành sẽ bị giảm dần lợi thế trong tương lai, khi khoa học phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay. Vì vậy, để tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế về lao động cần cù khéo léo của đội ngũ nhân công Việt Nam và coi đó là lợi thế cạnh tranh lâu dài. Tuy nhiên để những lợi thế này có điều kiện tồn tại lâu dài, nguồn nhân lực này phải được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng các kỹ năng hiện đại vào sản xuất.
Mặc dù hiện nay ngành Công nghiệp đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhưng khả năng cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp còn yếu so với các nước trong khu vực. Những yếu tố chủ yếu quyết định tới năng lực cạnh tranh của ngành là năng suất lao động, năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, trình độ khoa học công nghệ đều còn yếu kém.
Năng suất lao động của Việt Nam so với các nước ASEAN thấp hơn 2 - 15 lần, mức tiêu hao năng lượng và nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm cao hơn 1,2 - 1,5 lần. Tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất công nghiệp giảm từ 42,5% (năm 1995) xuống 39,05% (năm 2000) chứng tỏ ngành Công nghiệp phát triển mạnh theo hướng gia công lắp ráp. Nhóm sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao như hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, thiết bị cơ khí thường chủ yếu cạnh tranh ở giá bán thấp hơn sản phẩm nhập khẩu do có ưu thế về tài nguyên tự nhiên và nhân lực, lại có mức bảo hộ cao ở thị trường nội địa. Một số nhóm sản phẩm có thể cạnh tranh trong tương lai nhưng cần được hỗ trợ có thời hạn như giấy, thép, nhựa, công nghệ thông tin. Vấn đề quan trọng là phải có quan điểm rõ ràng trong việc phát triển ngành Công nghiệp nền tảng là đầu vào của các ngành công nghiệp khác. Các dự án của các ngành cơ khí, giấy, khai khoáng, luyện kim có thể chưa hiệu quả ngay ban đầu nhưng xét về tính chiến lược lâu dài thì nó có ý nghĩa rất lớn về kinh tế xã hội, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu không có những ngành Công nghiệp này, chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngành Công nghiệp nói chung và các sản phẩm công nghiệp nói riêng cần xây dựng năng lực cạnh tranh theo hướng phát huy nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp. Trong đó, xây dựng mới chiến lược kinh doanh của DN là vô cùng quan trọng. Các DN cần xác định rõ cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, thị trường, phương thức kinh doanh, ứng dụng khoa học tiên tiến, nâng cao chất lượng và giá trị sử dụng hàng hoá, dịch vụ xây dựng thương hiệu.
Cắt giảm chi phí là một trong những giải pháp quan trọng để hạ giá thành, nhất là các sản phẩm từ trước đến nay hưởng mức bảo hộ cao. Phát triển ngành sản xuất đầu vào thay thế hàng nhập khẩu cho các ngành Công nghiệp. Ngoài ra việc đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hợp tác, tăng cường bảo hộ sở hữu công nghiệp, đổi mới sắp xếp doanh nghiệp... để tạo lợi thế cạnh tranh cũng là vấn đề cần làm ngay.
Tạo ra sự khác biệt, lợi thế lớn nhất của sự cạnh tranh
Tại lễ trao giải "Cuộc thi sáng tạo kiểu dáng sản phẩm Golden V" dành cho đồ thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội vừa qua, sản phẩm "Hộp trà chín ngăn" của ông Phan Ngọc Minh - Giám đốc công ty TNHH Nhật Nguyệt được mọi người đặc biệt quan tâm. Bản thân chiếc hộp trà không có gì khác lạ nhưng nó thu hút người xem ở chiếc nắp hộp được trang trí bằng kỹ nghệ giấy cuốn rất đặc biệt. Hiện nay sản phẩm của ông đã được khách hàng Mỹ, Nhật Bản, New Zealand đặt hàng thường xuyên. Rõ ràng, bên cạnh vô số những sản phẩm có mẫu mã đẹp thì sự khác biệt đã được quan tâm hàng đầu.
Tuy nhiên, không phải mọi sản phẩm độc đáo thành công ở thị trường Việt Nam đều thành công ở thị trường thế giới. Loại áo sơ mi nhiều khuy trước đây được xuất khẩu rất nhiều nhưng nay đang có xu hướng bị tiêu thụ chậm lại. Bởi vì người châu Âu thường có thói quen mặc áo sơ mi ít khuy để có thể thay đổi trang phục trong thời gian ngắn. Trong khi các nhà sản xuất Việt Nam mải mê nghiên cứu thương hiệu cho loại xà phòng "Vì dân", "Hoa mơ" thì bột giặt "Omo" đã kịp thời chiếm lĩnh gần hết thị trường Việt Nam. Đa số người sử dụng bột giặt không cần hiểu "Omo" nghĩa là gì. Đơn giản là tên gọi này tạo được sự khác biệt ở chỗ dễ đọc, dễ nhớ nên lập tức được đưa vào tầm ngắm của các bà nội trợ, mặc dù thành phần của nó không khác gì các loại bột giặt khác. Rõ ràng, một trong những nguyên nhân khiến chúng ta chưa thành công là do các DN Việt Nam mới chỉ tiếp cận được với khâu trung gian là những nhà môi giới thương mại mà chưa tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng để sản xuất những sản phẩm thích hợp. Tóm lại, hiện nay các DN Việt Nam cần quan tâm đến ba động lực cạnh tranh, đó là: đáp ứng đơn hàng nhanh; toàn cầu hoá nhà cung cấp và dịch vụ trọn gói.
Sự khác biệt của sản phẩm, dịch vụ xét cho cùng là công cụ quyết định sức cạnh tranh của DN, của ngành, của nền kinh tế. Đó chính là năng lực sáng tạo tiềm ẩn của người Việt Nam. Nếu tiềm năng sáng tạo được phát huy, chắc chắn sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nói riêng và hàng hoá dịch vụ Việt Nam nói chung sẽ được nhân lên gấp bội.
"Khác biệt hay là chết" - đó là lời khuyến cáo luôn luôn đúng của học giả nổi tiếng thế giới Lack Trout đối với các DN.