Kết nối giao thương vùng Tây Nguyên với Hàn Quốc

Vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên; khí hậu ôn hòa, con người thân thiện và nền văn hóa đa dạng, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại và đầu tư, đã mở ra cơ hội hợp tác giao thương giữa doanh nghiệp vùng Tây Nguyên và Hàn Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Nguyên trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương giữa hai bên.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Nguyên trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương giữa hai bên.

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nhân và Ðầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) cùng một số tỉnh vùng Tây Nguyên đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với đối tác tại Hàn Quốc, nhằm tăng cường thúc đẩy kết nối đầu tư, thương mại và du lịch. Mới đây, tại tỉnh Lâm Ðồng, diễn ra chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp vùng Tây Nguyên và Hàn Quốc, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết.

Nhiều dư địa để hợp tác phát triển

Những ngày đầu tháng 8/2024, tại tỉnh Lâm Ðồng, VKBIA, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Lâm Ðồng phối hợp Sở Công thương của các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hội nghị nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh khu vực Tây Nguyên và các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu Hàn Quốc gặp gỡ, trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết đầu tư. Qua đó, đã tổ chức cho 29 doanh nghiệp Hàn Quốc và hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã khu vực Tây Nguyên gặp gỡ, trao đổi thông tin và sản phẩm nhằm mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tại khu vực miền trung-Tây Nguyên Bùi Xuân Lịch thông tin: Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Trong 5 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ðiều đó cho thấy, Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam nói chung và của các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Ðại diện Ban tổ chức hội nghị, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng Dương Quốc Anh thông tin, Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan trù phú, với diện tích hơn 54,4 nghìn km2, chiếm 1/6 lãnh thổ Việt Nam; dân số gần 6 triệu người, là khu vực giàu tiềm năng kinh tế nhờ vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú, địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa đã tạo nên điều kiện lý tưởng phát triển các loại cây, như rau, hoa, chè, cà-phê, ca-cao, hồ tiêu, sầu riêng, mắc-ca, bơ, điều và các loại cây dược liệu...

Vùng đất này còn có tiềm năng to lớn về du lịch, với những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên đã được cấp các chứng nhận chất lượng uy tín, như sản phẩm OCOP 3 đến 5 sao, VietGAP, GlobalGAP, ISO... Qua đó, khẳng định năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe.

Những năm gần đây, sản phẩm rau chất lượng cao của Công ty TNHH trang trại Trường Phúc (Lâm Ðồng) đã chinh phục được người tiêu dùng Hàn Quốc. Ðể bảo đảm chất lượng rau đáp ứng thị trường này, công ty phải rất nghiêm ngặt trong khâu tổ chức sản xuất, sử dụng công nghệ làm lạnh xuyên tâm giúp cho rau được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển. “Tôi cho rằng, khi các doanh nghiệp Lâm Ðồng nói riêng, vùng Tây Nguyên và các đối tác Hàn Quốc phát huy những thế mạnh, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn sẽ có rất nhiều dư địa để mở rộng giao thương, hợp tác cùng phát triển”, Giám đốc Công ty TNHH trang trại Trường Phúc Tô Quang Dũng chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Chủ tịch VKBIA, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hợp tác về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Hàn Quốc còn nhiều dư địa để cùng nhau phát triển. Trong đó, hội nghị lần này tiếp tục mang đến những cơ hội được thực hiện B2B, B2C, B2G… cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hai nước.

Hướng tới xuất khẩu bền vững

Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc, thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024. Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp vùng Tây Nguyên và Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thế mạnh; hoạt động quảng bá thương hiệu và đưa ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên kết nối giao thương, mở ra cơ hội hợp tác bền vững trong tương lai.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Lâm Ðồng cho biết, thực hiện chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng của Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp xanh vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, Việt Nam-Hàn Quốc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2022, hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm của Tây Nguyên đã có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Thời gian qua, đoàn công tác tỉnh Lâm Ðồng đã nhiều lần gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương, doanh nghiệp tại Hàn Quốc, nhằm tăng cường thúc đẩy kết nối đầu tư, thương mại và du lịch. “Cùng với thiện chí của nước bạn và sự hỗ trợ của VKBIA, Lâm Ðồng đang có những cơ hội hợp tác mới với Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, xuất nhập khẩu nông sản, hợp tác giáo dục-đào tạo và xuất khẩu lao động...”, ông Dương Quốc Anh cho biết.

Với những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Ðắk Lắk và một số địa phương của Hàn Quốc, nhất là lĩnh vực thương mại, đầu tư, rất nhiều sản phẩm của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Phó Giám đốc Sở Công thương Ðắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với Hàn Quốc năm 2023 đạt 36,5 triệu USD, chủ yếu các nông sản, như cà-phê, hạt điều, hạt tiêu, mắc-ca, cao su và các loại trái cây sấy. “Với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có kết nối giao thương trong lĩnh vực hàng nông sản, thực phẩm cần được tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh”, ông Nguyễn Văn Nhiệm gợi mở.

Trong chương trình kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đầu tháng 8/2024, đã có 42 biên bản ghi nhớ hợp tác của 18 doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết với các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên, chủ yếu lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, như cà-phê, mắc-ca, trái cây, rau củ sấy, atisô, nấm, trà, hạt điều… và công nghệ sản xuất pin thế hệ mới.

Theo Tiến sĩ Trần Hải Linh, chương trình kết nối giao thương lần này có nhiều doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu nông sản, có chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc, để có thể kết nối với doanh nghiệp Tây Nguyên nhập nông sản cung cấp cho thị trường Hàn Quốc. Ðồng thời, có những viện nghiên cứu tiêu chuẩn quốc tế đặt tại Hàn Quốc, thông qua đó, sẽ mở ra cơ hội cho nông sản thế mạnh Tây Nguyên có thể khẳng định thương hiệu, kết nối được với đối tác Hàn Quốc để xuất khẩu mạnh mẽ hơn.

“VKBIA sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân hai nước Việt Nam-Hàn Quốc để hỗ trợ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, hỗ trợ việc xúc tiến thương mại và hợp tác Việt-Hàn ngày càng đi sâu vào hiệu quả và thiết thực hơn”, Tiến sĩ Trần Hải Linh cho biết.

Sau khi tìm hiểu thực tế tại một số doanh nghiệp vùng Tây Nguyên và trao đổi trực tiếp giữa các địa phương, doanh nghiệp hai bên, nhiều đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, họ đã được tiếp xúc với nhiều sản phẩm chất lượng cao của vùng Tây Nguyên có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; qua đó, mở ra cơ hội nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa của vùng Tây Nguyên sang Hàn Quốc.

“Các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đề xuất hợp tác cần có sự trao đổi hàng hóa giữa hai bên để cùng hỗ trợ phát triển thị trường cho nhau, cũng như nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền”, ông Cho Jung Kwan, Viện Nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Jeon Nam (Hàn Quốc) đề xuất.

Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại khu vực miền trung-Tây Nguyên Bùi Xuân Lịch thông tin, thời gian tới, cục tiếp tục đồng hành cùng các địa phương vùng Tây Nguyên đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương sang thị trường Hàn Quốc; qua đó hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của vùng.

Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và vùng Tây Nguyên mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế, thương mại và du lịch của các địa phương và vùng Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.