Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức trong ứng phó thiên tai, dịch bệnh

Thời gian qua, các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ (CTĐ) trong cả nước bằng những hoạt động thiết thực đã tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, góp phần trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa những hành động đẹp, những điều tử tế đến với cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai trao quà tặng Bệnh viện dã chiến số 5, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Ảnh: Thiên Vương
Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai trao quà tặng Bệnh viện dã chiến số 5, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Ảnh: Thiên Vương

Đồng hành trong gian khó

Dưới ánh nắng ban mai một ngày giữa tháng 11, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm sâu tại tổ 10, khu phố 5, phường An Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai), nơi ở của bà Nguyễn Thị Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội CTĐ phường. Bà Minh dành phần lớn diện tích căn nhà để cho thuê, còn lại một phòng khoảng 30m2 để sinh sống và chứa các nhu yếu phẩm tặng người ở trọ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhớ lại những ngày cao điểm của đợt phong tỏa chống dịch Covid-19, bà Minh đã vận động người thân, bạn bè quyên góp tiền, hàng hóa tổng trị giá hơn một tỷ đồng, trực tiếp vào các vùng tâm dịch để hỗ trợ, giúp người dân vượt qua những khó khăn chồng chất. Bản thân là chủ nhà trọ, bà đã miễn toàn bộ tiền thuê 13 phòng trọ, trả chi phí điện, nước cho người ở trọ và tặng các nhu yếu phẩm để họ khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Đồng thời, tranh thủ những công nhân ở nhà không việc làm, bà huy động họ cùng tham gia đóng gói, vận chuyển nhu yếu phẩm đi tặng người dân trong các khu phong tỏa, cách ly. Anh Nguyễn Ngân Lai, quê ở tỉnh Nghệ An, vào Đồng Nai thuê trọ, làm nghề tự do đã được bà Minh miễn toàn bộ chi phí cho biết: “Nếu không có bà Minh giúp, tôi cũng không biết làm sao để vượt qua ở nơi đất khách quê người trong thời gian giãn cách xã hội”.

Đến xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Đồng Nai trong đợt dịch vừa qua, toàn bộ xã có hơn 8.000 người nhiễm bệnh. Chủ tịch Hội CTĐ xã Thạnh Phú Phan Văn Châu cho biết: Dịch bệnh bùng phát, toàn bộ nhân lực Hội và các tình nguyện viên gần như làm việc không ngơi nghỉ, để kịp thời hỗ trợ tận nhà cho người dân lương thực, thực phẩm. Thấy chúng tôi phần lớn đều đã lớn tuổi nhưng ngày đêm đi đến tận nhà hỗ trợ người dân, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung sức đóng góp tiền, hàng hóa giúp đỡ.

Được biết thì từ giữa tháng 7, việc hỗ trợ người dân của Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn khi nhiều cán bộ sinh sống ở khu vực cách ly không ra ngoài được, trụ sở Tỉnh hội ở phường Hòa Bình bị phong tỏa do khu vực này xuất hiện chùm ca bệnh. Trước tình thế nêu trên, Hội đã huy động lực lượng tình nguyện viên, linh hoạt trưng dụng kho của một số Hội địa phương và nhà dân để làm nơi tập kết, đóng gói hàng hóa, kịp thời chuyển đến giúp người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly.

Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị phong tỏa, không để bất kỳ người dân nào rơi vào tình cảnh thiếu đói, đơn vị đã vận động các tổ chức, cá nhân và chi cứu trợ khẩn cấp để mua gạo, mì gói; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố để có thêm nguồn lực giúp đỡ cho người dân. Kết quả, trong hơn ba tháng giãn cách xã hội, Hội CTĐ tỉnh đã vận động, chi số tiền, hàng hóa tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng, giúp cho hơn 40 nghìn lượt người trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khu phong tỏa.

Có thể thấy, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ đã nỗ lực không ngại hiểm nguy hướng về cộng đồng, sát cánh cùng nhân dân, những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Các mô hình trợ giúp nhân đạo thiết thực, linh hoạt được các cấp Hội triển khai ở tất cả các điểm nóng về đại dịch như: Chợ Nhân đạo tại chỗ, Chợ Nhân đạo lưu động, các chốt, điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, các điểm tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, túi hàng gia đình cấp phát tại nhà cho người dân khu vực bị phong tỏa hay cây ATM gạo miễn phí…

Đáng chú ý, năm 2021, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã tổ chức triển khai chính thức “Tháng Nhân đạo” với chủ đề “Vì một cộng đồng an toàn” trong toàn hệ thống. Dịch bệnh bùng phát trở lại trước thời điểm phát động Tháng Nhân đạo, nhu cầu được trợ giúp của các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn gia tăng trong khi việc kêu gọi, vận động nguồn lực gặp hạn chế. Song, với cách triển khai chủ động, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, toàn Hội đã trợ giúp được hơn một triệu lượt người, với tổng giá trị hoạt động trong “Tháng Nhân đạo” đạt khoảng 440 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Anh Phương cho biết: Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, để thực hiện hiệu quả “Tháng Nhân đạo”, các cấp Hội đã chủ động kêu gọi, vận động các nguồn lực tham gia ủng hộ cho các hoạt động nhân đạo bằng nhiều hình thức khác nhau, để những người dễ bị tổn thương trong xã hội được quan tâm, thăm hỏi, trợ giúp theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng, phát triển các mô hình Câu lạc bộ thiện nguyện trực thuộc Hội CTĐ tỉnh, vận động trên trang Facebook của Hội, kêu gọi những cá nhân muốn làm công tác thiện nguyện, phát huy được vai trò vận động nguồn lực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

“Nhà an toàn, sống an tâm”

Theo Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình Phan Văn Cầu, mỗi năm, ngân sách địa phương dành cho lĩnh vực nhân đạo còn hạn chế, trong khi nhu cầu cần trợ giúp đối với người yếu thế trong xã hội thì rất lớn, nhất là sau mỗi đợt mưa lũ diễn ra hằng năm. Vì thế, Hội CTĐ tỉnh đã sáng tạo, linh hoạt và kêu gọi sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân hảo tâm để trợ giúp người nghèo làm nhà chống bão, lũ, sinh kế để ổn định cuộc sống.

Vợ chồng ông Nguyễn Tự Thất và bà Nguyễn Thị Hiếu, ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) dù đã cao tuổi nhưng vẫn chưa xây được ngôi nhà chống lũ để ổn định cuộc sống. Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, nhà ông bà ngập đến mái. Khi nước lũ rút, trở về từ nơi sơ tán, ông Thất không hình dung ra nổi ngôi nhà của mình bởi nó đã bị sóng lớn trong biển lũ đánh tan hoang. Với sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà hảo tâm, ông bà khắc phục tạm ngôi nhà để trở lại cuộc sống bình thường.

Mới đây, vợ chồng ông được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng “Nhà ở an toàn phòng, chống thiên tai” từ dự án “Ứng phó, phục hồi và tái thiết sau mưa lũ miền trung tháng 10/2020”, do Hiệp Hội CTĐ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ. Sau ba tháng thi công, ngôi nhà mới của vợ chồng ông Thất hoàn thành cũng là lúc Quảng Bình bước vào mùa mưa lũ năm nay. Ngay trong ngày bàn giao nhà vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Thất còn được chính quyền và Hội CTĐ địa phương trao tặng các phần quà. Ông Thất xúc động nói: “Từ nay trở đi, vợ chồng tôi không phải lo cảnh chạy lụt nữa rồi, cảm ơn Hội Chữ thập đỏ đã mang tới niềm vui và sự yên tâm cho vợ chồng chúng tôi”.

Theo ông Phan Văn Cầu, ông Thất là một trong số 42 hộ gia đình trong tỉnh được hỗ trợ xây dựng “Nhà ở an toàn phòng, chống thiên tai”. Trong số này có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, như: chủ hộ là người cao tuổi, gia đình có người khuyết tật… Sự hỗ trợ kịp thời này giúp các hộ gia đình khó khăn khắc phục thiệt hại do thiên tai, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, Hội CTĐ tỉnh đã vận động và đồng hành nhiều doanh nghiệp để xây dựng nhiều nhà tránh lũ cộng đồng tặng các vùng dân cư thường xuyên ngập lụt ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. 5 năm qua, Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trong tỉnh và ngoài tỉnh xây dựng được 412 ngôi nhà CTĐ, nhà chòi tránh lũ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai.

Hội cũng đã vận động trang bị thuyền cứu nạn, cứu hộ, xây dựng đường lánh nạn, xây dựng các trạm truyền thanh không dây phục vụ công tác tuyên truyền và các công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại các xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão, lũ; tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, cứu nạn, cứu hộ cho các đội CTĐ xung kích. Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng tỉnh Quảng Bình an toàn, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế-xã hội.

Là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội CTĐ Việt Nam, có thể thấy, trong những năm qua, hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa luôn được các cấp Hội tích cực, chủ động triển khai thực hiện ngày càng toàn diện, hiệu quả và thiết thực. Hội CTĐ các cấp luôn là một trong những lực lượng đầu tiên có mặt khi thiên tai, thảm họa xảy ra và cũng là lực lượng gắn bó lâu dài, bền bỉ với người dân trong suốt giai đoạn tái thiết, phục hồi.

Để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa, thời gian tới, Hội CTĐ Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực dự phòng, đa dạng hàng cứu trợ để kịp hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp; phổ biến rộng rãi hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa, quy trình cấp phát tiền mặt... đến các cấp Hội, ứng dụng khoa học-công nghệ trong dự báo, cảnh báo, đánh giá thiệt hại và nhu cầu của người dân. Qua đó tiếp tục khẳng định sự nhanh nhạy, kịp thời, chủ động của Hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa.