Sự kiện do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đồng tổ chức.
Là hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, APRSAF-28 năm nay thu hút hơn 350 đại biểu đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia thuộc các cơ quan vũ trụ, tổ chức chính phủ, tổ chức quốc tế, các công ty tư nhân, trường đại học và các viện nghiên cứu.
Hội nghị là cơ hội để kết nối và mở ra các mối quan hệ hợp tác đa phương/song phương giữa các đơn vị tham gia cũng như nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và ứng dụng trong khu vực.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, ngành công nghệ vũ trụ - lĩnh vực khoa học tiên tiến bậc nhất hiện nay, đã và đang hiện diện sâu và rộng hơn trong đời sống xã hội thế giới.
Không khó để nhận thấy hiệu quả của công nghệ vệ tinh viễn thông trong kết nối siêu tốc, truyền thông cho vùng sâu vùng xa, công nghệ định vị toàn cầu bằng vệ tinh và công nghệ quan sát Trái đất từ không gian với ứng dụng rộng rãi trong công tác dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ứng dụng hiệu quả công nghệ vũ trụ thúc đẩy sự phát triển bền vững và đạt được sự tăng trưởng lớn mạnh trong thời gian qua.
Quang cảnh phiên khai mạc hội nghị APRSAF-28. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh bày tỏ kỳ vọng những kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ được chia sẻ, thảo luận tại hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác xây dựng một cộng đồng không gian mạnh mẽ, đoàn kết trong khu vực, đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu trong những thập kỷ tới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Phát biểu chào mừng qua video, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Nagaoka Keiko cho biết, kể từ khi APRSAF được thành lập 30 năm trước đây, hoạt động công nghệ vũ trụ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những bước phát triển đáng kể, với ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu phát triển vệ tinh của riêng mình và triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ.
“Việc tiếp tục triển khai các hoạt động của APRSAF đã, đang và sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, bà Nagaoka Keiko khẳng định.
Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản kỳ vọng diễn đàn sẽ đem lại cơ hội thúc đẩy phát triển bền vững hoạt động công nghệ vũ trụ ở các quốc gia đang phát triển trong khu vực, đồng thời tạo nền tảng đẩy mạnh hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của khu vực.
Theo PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tại APRSAF-28, các đại biểu chia sẻ và cập nhật thông tin về các hoạt động công nghệ vũ trụ và kế hoạch tương lai của mỗi quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các quốc gia thành viên của APRSAF thảo luận và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế.
Diễn ra trong 4 ngày, chương trình của APRSAF-28 gồm phiên họp của các nhóm làm việc diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (15-16/11) và phiên họp toàn thể (17-18/11).
Quang cảnh phiên tọa đàm chuyên đề. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Trong khuôn khổ phiên toàn thể thứ nhất (ngày 17/11) đã diễn ra tọa đàm chuyên đề “Thách thức của ứng dụng vệ tinh trong đổi mới không gian khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, với sự tham gia của đại diện đến từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Cơ quan Phát triển Công nghệ không gian và Tin học địa lý Thái Lan (GISTDA), Cơ quan Vũ trụ Australia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Văn phòng Nội các Nhật Bản (CAO), Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) và Cơ quan Vũ trụ Philippine (PhilSA).
Các diễn giả đã tập trung trao đổi những vấn đề chung quanh công nghệ quan sát Trái đất (EO) từ không gian, các ứng dụng của công nghệ quan sát Trái đất, việc sử dụng tích hợp thông tin từ các vệ tinh quan sát Trái đất, các thách thức đặt ra… Bên cạnh đó, hội nghị cũng nghe đại diện các cơ quan vũ trụ khu vực trình bày Báo cáo của các quốc gia về hoạt động công nghệ vũ trụ.
Ngày mai, 18/11, phiên toàn thể thứ 2 của APRSAF-28 sẽ diễn ra với chủ đề “Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai thịnh vượng và bền vững”.
Gian trưng bày thông tin về sản phẩm vũ trụ của một doanh nghiệp Nhật Bản tại APRSAF-28. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Cùng với các nội dung chính, nhiều sự kiện bên lề cũng được tổ chức theo 2 hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp trong suốt thời gian hội nghị, bao gồm: trưng bày 33 tranh vẽ của trẻ em từ 8-11 tuổi thuộc các nước tham gia cuộc thi thiết kế poster chào mừng APRSAF-28, và trưng bày các sản phẩm vũ trụ của 9 đơn vị: IHI, PASCO, JAMSS, DigitalBlast (Nhật Bản), Vegastar (Việt Nam), Surrey Satellite Technology (Anh), Sodern (Pháp), APAQG (tổ chức phi lợi nhuận) và NSPO (Đài Loan, Trung Quốc).
Diễn đàn các cơ quan vũ trụ châu Á-Thái Bình Dương (APRSAF) được thành lập vào năm 1993 nhằm thúc đẩy sự phát triển chương trình vũ trụ của mỗi nước và trao đổi tầm nhìn hướng tới những hợp tác tương lai trong lĩnh vực vũ trụ của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị liên quan đến không gian lớn nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương APRSAF được tổ chức hằng năm với sự góp mặt của các cơ quan vũ trụ, cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty tư nhân, trường đại học và viện nghiên cứu từ hơn 40 quốc gia và khu vực. Sự tham dự ngày càng tăng của các lãnh đạo cấp cao tại các sự kiện APRSAF đã và đang mang đến nhiều cơ hội hợp tác quốc tế cho các hoạt động không gian.
Sau khi được cơ cấu để phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố Tầm nhìn Nagoya APRSAF, cấu trúc của Hội nghị APRSAF bao gồm: 5 nhóm làm việc, 1 hội thảo và Phiên toàn thể.
- Nhóm làm việc về Ứng dụng Vệ tinh vì Lợi ích Xã hội (SAWG)
- Nhóm làm việc Nâng cao Năng lực Vũ trụ (SCWG)
- Nhóm làm việc về Giáo dục Không gian (SE4AWG)
- Nhóm làm việc Biên giới Không gian (SFWG)
- Hội thảo Công nghiệp Vũ trụ (SIWS)