Chiều 15/6, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với sự tán thành của 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90,16% tổng số đại biểu Quốc hội).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung chính sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động sáng tác kịch bản phim. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, bổ sung chính sách nhà nước đầu tư cho sáng tác kịch bản phim vào điểm b khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật.
Về cấp giấy phép phân loại phim, một số đại biểu cho rằng không nên quy định UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trên địa bàn quản lý, chỉ nên thành lập cơ quan chung có thẩm quyền cấp phép phân loại phim toàn quốc nhằm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Có ý kiến băn khoăn về đội ngũ chuyên gia thẩm định phim ở các địa phương.
Theo ông Vinh, xu hướng số lượng phim cần phân loại sẽ tăng cao trong thời gian tới, gây áp lực về thời gian cho các Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát sinh nhu cầu về phân cấp cấp giấy phép phân loại phim. Tuy nhiên, việc phân cấp cấp giấy phép phân loại phim cần được thực hiện thận trọng, căn cứ vào điều kiện, năng lực của các địa phương, để bảo đảm yêu cầu, chất lượng của công tác thẩm định, phân loại phim.
Trên tinh thần đó và tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.
Về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp “tiền kiểm” với “hậu kiểm”. Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.
Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ông Vinh cho biết đây là phương án phù hợp, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý, quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.
Phê chuẩn thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho hay, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên đề nghị làm rõ lý do đến nay Quỹ chưa được thành lập.
Theo báo cáo của cơ quan trình dự án Luật, Quỹ chưa thành lập được là do các nguyên nhân như khó khăn về nguồn thu (nguồn thu của Quỹ không được quy định trong Luật Điện ảnh và Nghị định hướng dẫn thực hiện); ngoài ra, cơ chế quản lý Quỹ chưa rõ là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp hay tổ chức tài chính.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ, không đưa Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vào dự thảo Luật để thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ quy định Quỹ tại dự thảo Luật với lý do Chính phủ nêu tại Báo cáo số 224/BC-CP ngày 10/6//2022 của Chính phủ gửi Quốc hội và giải trình trong Báo cáo số 216/BC-UBTVQH15 ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng về nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Mục 2 Chương VI của dự thảo Luật). Theo đó, 389/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành việc thành lập Quỹ, chiếm 78,11% tổng số đại biểu Quốc hội.