Trước khi ra mắt Everton, James Rodriguez đã tới nước Anh trước cả tuần. Anh trú tại khách sạn sang trọng ở London, sau đó lên chiếc máy bay riêng của chủ sở hữu Everton, Farhad Moshiri để có mặt tại vùng Merseyside, mặc lên mình chiếc áo xanh Everton rồi tuyên bố “tôi ở đây, hạnh phúc và tự hào”.
Đây chắc chắn không phải một bước tiến trong sự nghiệp của James. Ngôi sao 29 tuổi vừa tạm biệt Real Madrid, nơi anh đã giành hai chức vô địch Champions League, để chơi cho đội bóng chưa từng đoạt danh hiệu lớn nào trong 25 năm qua và vừa kết thúc mùa giải trước ở vị trí thứ 12.
Cũng không có sự đổi đời nào ở đây cả. Khác với hầu hết cầu thủ Nam Mỹ vươn lên từ nghèo khó, James không lớn lên trên đường phố, không bỏ dở việc học hành và cũng không chơi bóng để quên đi cái đói.
Anh không đến với bóng đá như con đường duy nhất để đổi đời, mà vì mẹ anh muốn thế, ông bố quá cố muốn thế, rồi cha dượng của anh cũng muốn thế. Đôi giày đầu tiên anh đi mang thương hiệu Adidas đắt tiền, và ngoài việc tập luyện ở Học viện, anh còn có thầy riêng ở nhà.
Đến với bóng đá bằng nghĩa vụ, James luôn cho rằng anh có trách nhiệm phải chơi thật tốt. Và anh đã tập luyện chăm chỉ hơn ai hết, đồng thời chấp nhận hy sinh mọi thú vui để tập trung cho mục tiêu trở thành người giỏi nhất. Đó là lý do anh thành danh từ rất sớm, tỏa sáng rực rỡ ở World Cup 2014 sau đó gia nhập Real Madrid khi mới 22 tuổi. Thời điểm ấy, tất cả đều tin rằng James sẽ đạt tới đẳng cấp của Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi.
Vậy tại sao mọi thứ lại tuột khỏi tay và James buộc phải hạ thấp tiêu chuẩn để tới Everton ở tuổi 29? Thật khó để cắt nghĩa chính xác. Một số cho rằng, vì xuất phát điểm quá tốt, cộng thêm việc thành danh quá sớm khiến James mất đi động lực. Anh có những kỹ năng phi thường để tạo ra những khoảnh khắc vĩ đại, như khi ghi bàn thắng đẹp nhất World Cup 2014 vào lưới Uruguay. Tuy nhiên, lại không thể có được sự ổn định trong thời gian dài tương tự Ronaldo và Messi.
Một số khác thì lại nói, James đã quá đen đủi khi không được lòng Rafa Benitez và Zinedine Zidane, những người dẫn dắt Real sau khi Carlo Ancelotti bị sa thải. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn với sự lạnh nhạt của Zidane, và James đáp trả bằng những chỉ trích công khai. Cả hai giai đoạn HLV người Pháp ngồi trên ghế chỉ đạo, James bị biến thành người thừa đúng nghĩa. Trong năm 2020, James chỉ ra sân vỏn vẹn năm lần, và chỉ một trong số đó ở mặt trận chính La Liga.
Nhưng, như đã nói, James chơi bóng với trách nhiệm trên vai. Vì vậy, anh không cho phép mình lười biếng, ngồi ngoài và hưởng mức lương cao. Nếu như Gareth Bale, một người cũng bị Zidane hắt hủi, hài lòng với mức lương 14,5 triệu euro mỗi năm, quyết bám trụ ở Real và tìm vui bên sân golf, thì James luôn tìm kiếm cơ hội để ra sân và chứng tỏ mình.
James đã đến Bayern theo dạng cho mượn, mặc dù “không thích sự lạnh lùng của người Đức và đến sân tập từ lúc 9 giờ sáng dưới cái lạnh dưới 20 độ C”. Anh quay lại Real mùa hè trước với hy vọng thái độ của Zidane đã thay đổi, nhưng nhanh chóng vỡ mộng. Và bây giờ, anh rời bỏ cái mác Galactico để tới Everton. Đó không phải một đội bóng hào nhoáng với lịch sử đầy ắp danh hiệu, nhưng có một HLV tin tưởng và biết cách phát huy những phẩm chất ưu tú của anh. Ông ta là Ancelotti.
Làm lại từ đầu ở tuổi 29 sẽ rất khó khăn, nhưng không phải với James. Mẹ anh từng nói, “James không bao giờ muốn trở thành cầu thủ bóng đá, nhưng đã là một cầu thủ từ ngày thằng bé được sinh ra”. Chơi bóng, ngoài trách nhiệm, còn là một định mệnh.