ICISE Quy Nhơn - cửa sổ nhìn ra vũ trụ

NDO -

Hội Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) do GS Trần Thanh Vân làm chủ tịch bắt đầu hoạt động từ năm 1993 thường xuyên tổ chức những cuộc hội nghị khoa học quốc tế nhằm tăng cường giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các đồng nghiệp trên thế giới.

GS, VS Nguyễn Văn Hiệu thuyết trình tại lớp "Vật lý chất đặc, lý thuyết và tính toán".
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu thuyết trình tại lớp "Vật lý chất đặc, lý thuyết và tính toán".

Ở lần gặp gỡ thứ chín này có ý nghĩa đặc biệt khi có sự tham dự cùng lúc của năm nhà khoa học đoạt giải Nô-ben Vật lý, GS Ngô Bảo Châu... cùng với việc khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn (Bình Ðịnh). Từ nay địa danh này chính thức có tên trên bản đồ khoa học vật lý thế giới. ICISE Quy Nhơn được ví là  cửa sổ nhìn ra vũ trụ.

Người bắc nhịp cầu khoa học

GS Trần Thanh Vân bộc bạch: "Khi biết tôi có ý định xây dựng một trung tâm gặp gỡ khoa học tại Việt Nam, GS,VS Nguyễn Văn Hiệu đã nói, ở Việt Nam, nếu anh không làm thì không ai làm được điều đó. Tôi hiểu đó như lời động viên chân tình của một người bạn thân đã có tròn nửa thế kỷ quý mến nhau vì khoa học và quê hương...". Trong lần gặp GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, ông khẳng định: Các nhà khoa học vật lý hàng đầu thế giới đều có tình cảm đặc biệt, rất quý mến, kính trọng GS Trần Thanh Vân bởi tài năng và tâm huyết của ông đối với khoa học và quê hương.

Bằng uy tín của mình, trong kỳ GGVN lần thứ chín này, GS Trần Thanh Vân mời được năm nhà khoa học đoạt giải Nô-ben Vật lý tham dự là: GS J.Xtên-béc-gơ (Nô-ben 1988); G.Xmút (Nô-ben 2006); D.J.Grót (Nô-ben 2004); S.L.Gla-xô (Nô-ben 1979) và GS K.V.Klit-zin (Nô-ben 1985). Ngoài ra, còn có nhà bác học R.Huê-ơ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) nơi vừa tìm ra hạt cơ bản cuối cùng sau 49 năm - hạt Higgs, "hạt của Chúa".

Trong buổi lễ khánh thành ICISE, khi Ban tổ chức trân trọng giới thiệu vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, hơn 200 nhà khoa học vật lý hàng đầu thế giới đã đứng dậy vỗ tay rất lâu. Giáo sư S.L.Gla-xô, trong bài phát biểu của mình không giấu được cảm xúc: "Hôm nay là một ngày của đỉnh cao chót vót, ngày mà giấc mơ từ rất lâu năm của những người bạn, người đồng nghiệp thân mến của tôi là ông bà GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, những người mà vợ chồng tôi quen biết và quý mến suốt nhiều thập niên, như những nhà tổ chức tài ba và đầy hiệu quả hàng loạt hội nghị, hội thảo, lớp học mùa hè tỏa sáng ở những nơi đẹp tuyệt vời, nhưng có lẽ không nơi nào đẹp bằng Quy Nhơn.".

Còn GS J.Xtên-béc-gơ, 92 tuổi (người Mỹ gốc Do Thái, Nô-ben 1988) trong một lá thư gửi GS Trần Thanh Vân đã viết: "Cảm ơn anh về lời mời dự Hội nghị, tôi vui lòng nhận lời. Tôi đánh giá cao những gì anh đã làm cho lĩnh vực vật lý của chúng ta và những gì anh đang làm để xây dựng ngành vật lý ở nước anh - đất nước đã phải chịu đựng bao cuộc tiến công của nước chúng tôi, nước Mỹ". 20 năm trước, năm 1993, GS J.Xtên-béc-gơ đã đến dự hội nghị GGVN lần thứ nhất ở Hà Nội, lúc Mỹ còn cấm vận. Ngay sau Hội nghị đó, ông đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn đề nghị chấm dứt cấm vận Việt Nam. Còn GS K.V.Klit-zin, chia sẻ: "Quả thật tại châu Á, hiếm có những diễn đàn học thuật nào ở trình độ cao như thế này. Trung tâm ICISE là một điểm đến tuyệt vời của những bộ óc tuyệt vời của nhân loại...".

Cơ hội cho các nhà khoa học trẻ

Bên cạnh hội nghị khoa học quốc tế "Vật lý na-nô, từ cơ bản đến ứng dụng" do GS K.V.Klit-zin - nhà bác học Ðức (Nô-ben 1985), chủ trì tại Ðại học Quy Nhơn còn có hai lớp chuyên đề: "Vật lý chất đặc, lý thuyết và tính toán", "Vật lý thiên văn và vũ trụ học". GS Trần Thanh Vân cho biết: Có 50% số đại biểu, học viên ở độ tuổi dưới 40. Họ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, mang theo thông điệp lạc quan về những chân trời còn chưa được khám phá. Họ là hình ảnh của tương lai bắt đầu từ những kết nối như thế này... Kể từ Gặp gỡ Moriond năm 1966, trong số hàng nghìn bạn trẻ được kết nối, ít nhất có đến 20 người về sau đã trở thành chủ nhân các giải Nô-ben Vật lý danh giá.

Ở lớp "Vật lý thiên văn và vũ trụ học" do GS Rô-lăng Tri-ay (Trung tâm Vật lý lý thuyết, Pháp) đảm nhiệm là một không khí học thuật hiện đại, thoải mái. "Học trò" cứ ngồi tại chỗ, trình bày ý kiến của mình, chất vấn, phản biện... trong khi ông thầy kiên nhẫn, mỉm cười lắng nghe rồi giảng giải, tranh luận tập thể hay "tay đôi" với từng người một. Thạc sĩ Cao Thị Bích, nghiên cứu viên Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết: "Ở Việt Nam hiện nay, các bạn trẻ được ra nước ngoài học không nhiều. Những lớp học thế này thật bổ ích với chúng tôi. Ở đây, các vấn đề khoa học được đào sâu, mổ xẻ đến cùng".

Chúng tôi gặp Bùi Văn Phố, 27 tuổi, nghiên cứu sinh TS tại Ðại học Ô-sa-ka (Nhật Bản) tỏ ra rất thích thú khi lần thứ hai được tham dự GGVN. Bùi Văn Phố là "hạt giống" được phát hiện, gieo trồng, lớn lên trong vòng tay cưu mang, đùm bọc của vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Hơn mười năm trước, ở Trường Quốc học Huế, hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích học tập xuất sắc, cậu học trò nghèo Bùi Văn Phố đã được nhận vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thủy Xuân, ngôi nhà tình thương do tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp của GS Lê Kim Ngọc xây dựng, tài trợ. Hai năm trung học, rồi bốn năm ở bậc đại học, được trao học bổng, Phố còn được cung cấp tài chính để có thể tập trung đèn sách, sang Nhật Bản, lấy bằng thạc sĩ và  làm nghiên cứu sinh TS ở đại học Ô-sa-ka. Ðến nay, Phố vẫn là thành viên chịu nhiều ân nghĩa của đại gia đình GGVN. Ðiều tiếp thu được ở GGVN, theo Phố là mối quan hệ hữu ích với các nhà khoa học lừng lẫy tiếng tăm, là kiến thức cơ bản, kiến thức nền khả dĩ hỗ trợ đề tài nghiên cứu về vật liệu bán dẫn anh đang theo đuổi.

GS,VS Nguyễn Văn Hiệu, một trong những nhà thuyết trình tại lớp "Vật lý chất đặc, lý thuyết và tính toán" bên cạnh các đồng nghiệp người Pháp, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, đánh giá: "Ðây là hình thức du học ít tốn kém dành cho nhà khoa học trẻ, nhất là các nhà khoa học trong nước. Không phải ai cũng có duyên may ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Gần 20 năm qua, GGVN liên tục mời các nhà khoa học hàng đầu đến đây. Họ giảng bài, trao đổi với học viên những vấn đề học thuật mới mẻ. Giữa người dạy và người học gần như không có rào cản. Người trẻ là thành phần áp đảo tại hai lớp học chuyên đề ở Trường đại học Quy Nhơn. Những khuôn mặt người Việt Nam, Thái-lan, Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, Lào... vẫn còn trẻ măng, đầy ắp nhiệt tình, sôi nổi. Họ chính là các nhà khoa học trong tương lai.

ICISE là tổ hợp các công trình kiến trúc theo phong cách Pháp, trải rộng trên diện tích 200 nghìn m2, gồm: Khu trung tâm hội nghị, khu khách sạn, nhà hàng, nhà chiếu hình vũ trụ, ... và nhiều tiểu cảnh thơ mộng khác. Khuôn viên trung tâm được thiên nhiên ưu đãi hiếm thấy, vừa có bãi tắm biển, cát vàng sạch sẽ, mịn màng, lặng sóng, vừa có một dòng sông nhỏ chạy ngang qua, giữa cánh rừng dừa xanh ngát, bên rặng núi biếc nối tiếp với dãy Trường Sơn huyền thoại...

GS S.L.Gla-xô đánh giá: Trung tâm kỳ diệu này được xây dựng dành cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước láng giềng châu Á.