Chênh lệch về đẳng cấp và chuyên môn là điều dễ nhận thấy khi so sánh đội tuyển Nhật Bản và đội tuyển Việt Nam. Được đánh giá là một trong những đội bóng hàng đầu của châu lục, đội tuyển của xứ “Mặt trời mọc” từng sáu lần liên tiếp đại diện cho châu Á dự vòng chung kết World Cup và ba lần vào tới vòng 16 đội. Các cầu thủ của họ có chuyên môn tốt và dày dạn kinh nghiệm chinh chiến ở cấp độ châu lục cũng như thế giới. Trong số 28 tuyển thủ sang Việt Nam lần này thì có tới 18 cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ bóng đá châu Âu, nổi bật là cặp tiền vệ Takumi Minamino (đang khoác áo CLB Liverpool), Daichi Kamada (Eintracht Frankfurt) và bộ đôi trung vệ Takehiro Tomiyasu (Arsenal), Maya Yoshida (Sampdoria)...
Tuy nhiên, ở bốn lượt trận của vòng loại thứ ba bảng B vừa qua, đội tuyển Nhật Bản thi đấu chưa thật tốt và chỉ đứng thứ ba với sáu điểm. Cũng vì vậy, thầy trò HLV Hajime Moriyasu đang rất quyết tâm có thêm ba điểm bằng một chiến thắng đậm đà. Chắc chắn “các võ sĩ Samurai” sẽ tràn lên chơi tấn công áp đảo để sớm có bàn thắng nhằm tạo lợi thế và gia tăng cách biệt về tỷ số.
Không giống như ở những trận đấu trước đó với Trung Quốc, Saudi Arabia, Oman hay Australia có dàn cầu thủ cao to, các tuyển thủ Nhật Bản có chiều cao như tiền đạo Yuya Osako, Takumi Minamino, Junya Ito... có thể phô diễn khả năng không chiến trước các cầu thủ Việt Nam. Bên cạnh bộ đôi tiền vệ trung tâm Tanaka, Morita có khả năng càn quét và tung ra những đường chọc khe nguy hiểm, các trung vệ của họ như Maya Yoshida và Takehiro Tomiyasu không chỉ chơi phòng ngự tốt mà còn biết tổ chức lên bóng và khá nguy hiểm khi tham gia tấn công hay đá phạt.
Về phía đội tuyển Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, thầy trò HLV Park Hang-seo chưa có điểm nào và đã có bốn trận toàn thua. Những thất bại cũng bộc lộ rõ những điểm yếu của hàng phòng ngự đội tuyển nước ta, nhất là ở khả năng chơi bóng bổng khi nhiều bàn trong số 10 bàn thua đều từ các tình huống không chiến. Nhằm hạn chế sức mạnh của hàng công Nhật Bản, các cầu thủ Việt Nam phải thi đấu tập trung, bọc lót chặt chẽ, tránh những sai sót không cần thiết, chơi áp sát, kèm chặt không cho các chân sút của đối phương có được khoảng trống dứt điểm.
Theo giới chuyên môn, để khắc phục khả năng chơi bóng bổng không tốt, bên cạnh một hàng thủ có chiều cao và khả năng tranh chấp, đội tuyển Việt Nam cần áp dụng phòng ngự từ xa, quyết liệt tranh bóng, nhất là trong các tình huống hai bên cánh để hạn chế thấp nhất những đường chuyền bóng vào khu vực cấm. Điều quan trọng, như HLV Park Hang-seo khẳng định tại cuộc họp báo trước trận đấu: “Đội tuyển Việt Nam có lợi thế thi đấu sân nhà và đều đã ghi được bàn thắng ở các trận đấu, trừ trận gặp Australia. Trước các tuyển thủ Nhật Bản có năng lực tốt, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để có điểm”.
Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng đội tuyển Nhật Bản cũng đang gặp nhiều khó khăn do các cầu thủ của họ chơi bóng ở nhiều CLB châu Âu, cho nên không có nhiều thời gian tập trung tập luyện, do đó sự liên kết giữa các tuyến và phối hợp chưa thật sự nhuần nhuyễn. Đó cũng là lý do Nhật Bản chưa có được phong độ tốt ở những trận đấu trước đó ở bảng B, họ đang kém đội đầu bảng tới sáu điểm.
Đội quân của HLV Hajime Moriyasu mới có được hai ngày để chuẩn bị cho trận đấu trên sân Mỹ Đình và chỉ có một buổi tập duy nhất làm quen sân cỏ đầy đủ quân số do phải đợi các cầu thủ từ châu Âu trở về. Tại cuộc họp báo hôm qua, HLV Hajime Moriyasu đã thể hiện sự tôn trọng đội tuyển Việt Nam khi cho rằng trận đấu tối nay sẽ rất khó khăn với Nhật Bản bởi họ phải đối diện với đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á.
Không bị áp lực thành tích, thi đấu với tâm lý thoải mái và sự cổ vũ của 12.000 cổ động viên trên sân nhà, hy vọng thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ có được một kết quả thi đấu tốt.
Diễn tập kiểm soát khán giả vào sân Mỹ Đình thông qua căn cước công dân
Chiều 10/11, tại sân vận động Mỹ Đình Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) chủ trì, phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Ban quản lý sân vận động quốc gia Mỹ Đình tổ chức buổi diễn tập kiểm soát khán giả vào xem trận đấu bóng đá Việt Nam - Nhật Bản thông qua hệ thống căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại buổi diễn tập, C06 đã tổ chức hướng dẫn chi tiết đối với khán giả vào sân. Từ việc chuẩn bị đủ các giấy tờ cần thiết trước khi vào sân, đi đúng luồng kiểm soát đến việc thực hiện thao tác quét mã QR trên thẻ CCCD. Theo lãnh đạo C06, công dân chỉ cần thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã được tích hợp các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm là có thể đáp ứng được điều kiện của VFF khi vào sân. Trong trường hợp công dân không có thẻ CCCD gắn chíp điện tử có thể sử dụng ứng dụng cài đặt trên điện thoại VNEID đã được tích hợp các thông tin tiêm chủng, xét nghiệm. Như vậy, việc kiểm soát tại sân vận động sẽ rất đơn giản và thuận tiện cho người dân.