Theo thống kê của ngành nông nghiệp Đồng Nai, đến thời điểm này đã có gần 2.000 con lợn bị tiêu hủy do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch tiếp tục xuất hiện nên dự báo số lợn tiêu hủy sẽ còn gia tăng. Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn tạo ra nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn, nhất là vào dịp cuối năm.
Trong bối cảnh đó, việc các doanh nghiệp phối hợp cơ quan chức năng tổ chức thu mua, giết mổ, cấp đông là một trong những giải pháp để ứng phó với dịch bệnh. Dù chỉ là giải pháp tạm thời nhưng việc cấp đông sẽ giảm áp lực tiêu hủy và bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Trước lo ngại việc cấp đông dù là giải pháp cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể sống trong môi trường cấp đông đến 1.000 ngày, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai Trần Văn Quang khẳng định, để bảo đảm nguồn thịt sạch và an toàn cho việc cấp đông, lợn khi được thu mua, giết mổ sẽ được xét nghiệm huyết thanh. Chỉ lợn không nhiễm bệnh mới được giết mổ để cấp đông.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, siêu thị cho rằng, việc thực hiện cấp đông hiện nay là không khả thi nếu chỉ dựa vào nguồn lực của các doanh nghiệp. Bởi, trên địa bàn Đồng Nai hiện chưa có doanh nghiệp nào có hệ thống kho lạnh và máy móc cấp đông đủ đáp ứng nhu cầu. Trước hạn chế về năng lực kho bãi và máy móc trong việc thực hiện cấp đông thịt lợn, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, giải pháp phù hợp hiện nay là thuê kho lạnh tại các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh để cấp đông. Các doanh nghiệp cho biết, nếu có sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia thuê kho để thực hiện việc cấp đông thịt lợn.
Tại Đồng Nai, địa phương được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, với khoảng hai triệu con thời điểm hiện tại. Kể từ khi ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom vào ngày 24-4, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có tám xã phát sinh ổ dịch tại bốn huyện, gồm: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành.
Hiện, các ngành chức năng của tỉnh và người chăn nuôi đang “gồng mình” để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.