Tín dụng đối với ngành lúa gạo luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, vốn tín dụng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Bảo đảm tính bền vững
Có thể nói, lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Do vậy, mục tiêu cụ thể trong Đề án đã nêu rõ, đến năm 2030, sẽ hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai tại 5 địa phương gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè-thu năm 2024 đã báo cáo kết quả rất tích cực, tạo sự khích lệ lớn đối với nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí giảm 20-30% (giảm hơn 50% lượng giống, hơn 30% lượng phân bón đạm, 2-3 lần thuốc bảo vệ thực vật, khoảng 30-40% lượng nước tưới); năng suất tăng 10% (đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25%; giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương trên một héc-ta và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg.
Là một trong những đơn vị đang thực hiện thí điểm 50 ha trồng lúa giảm phát thải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) Nguyễn Văn Hùng chia sẻ một số kết quả tích cực. Theo đó, trồng lúa giảm phát thải có lượng phân bón giảm từ 60 kg xuống còn 40 kg so với trồng lúa theo cách thông thường. Không chỉ vậy, việc giảm lượng phân bón còn giúp giảm khoảng 30% nhân công lao động và giảm tác hại môi trường,… “Mô hình hợp tác xã tới đây của chúng tôi sẽ là ngoài đồng ruộng không có dấu chân người, làm cơ giới hóa nông nghiệp và tính theo tín chỉ các-bon”, ông Hùng phấn khởi cho biết. Hiện, Hợp tác xã Thắng Lợi cũng đang đề xuất sẽ mở rộng thêm 100 ha trồng lúa. Theo đại diện hợp tác xã, nếu được tham gia chuỗi này, người nông dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, giống,… Khi tham gia Đề án, người nông dân sẽ thay đổi tư duy và phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp số, mọi thông tin, dữ liệu về giống lúa, ngày gieo hạt, bón phân,… đều được lưu trữ trong máy điện thoại thông minh.
Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn lúa gạo Việt Nam, khi thực hiện thí điểm trồng lúa giảm phát thải, chi phí sản xuất thấp, giá bán cao hơn 1.000 đồng/kg trồng theo cách thông thường. Tuy nhiên, để làm ăn lớn và yên tâm đầu tư lâu dài cho 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, doanh nghiệp mong muốn được vay vốn trung và dài hạn.
Không giới hạn nguồn vốn tín dụng
Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chơn Chinh (tỉnh Đồng Tháp) Nguyễn Khắc Duy nhìn nhận, việc tham gia Đề án sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân. Sự hợp tác này giúp doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung, tránh thiếu hụt khi cần ký các đơn hàng lớn. Nếu Đề án được triển khai tốt, chi phí canh tác của nông dân sẽ giảm, trong khi chất lượng hàng hóa sẽ được nâng cao. Nhờ đó, gạo có chất lượng cao hơn sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mức giá bán tốt hơn trên thị trường. Đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ nhu cầu cần vay thêm từ 150-200 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất 4-5%/năm. Số vốn này sẽ được công ty dùng để thu mua lúa, đồng thời mở rộng diện tích kho chứa gấp đôi so với hiện nay lên 50.000 tấn và hệ thống sấy tương đương công suất 1.000 tấn/ngày.
Trước nhu cầu về vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, khác với các chương trình tín dụng mà ngành ngân hàng đã và đang triển khai, Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao không giới hạn gói vay. Điều này có nghĩa là các ngân hàng sẵn sàng đáp ứng theo nhu cầu, theo khả năng của lĩnh vực này. Nếu ngân hàng thương mại không cân đối được nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ bằng nguồn tái cấp vốn.
Trên thực tế, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng các địa phương khu vực phía nam đã chủ động rà soát, tổng hợp số liệu cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo, đồng thời chủ động làm việc với các sở, ngành, địa phương để hợp tác, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tín dụng cho các bên tham gia ở từng địa bàn cụ thể. Nhiều chi nhánh ngân hàng trong vùng cho biết, nguồn vốn ưu đãi lãi suất để cho vay Đề án đang rất dồi dào. Ghi nhận tại một số địa phương trồng lúa trọng điểm, hệ thống các chi nhánh Agribank đều đang sẵn sàng trong việc cung ứng nguồn vốn tín dụng ưu đãi lãi suất và triển khai các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.
Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình, ngân hàng đang xây dựng sản phẩm cho vay khép kín tới tất cả đối tượng tham gia Đề án, từ hộ gia đình, cá nhân trồng lúa đến các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, đơn vị chế biến xuất khẩu. Còn Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp Vương Trí Phong cho biết, thống kê đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn đạt hơn 15.200 tỷ đồng, tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay lĩnh vực này, hiện đang rất tích cực giải ngân các khoản vay ưu đãi với lãi suất giảm 1-1,5%/năm,…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm, trong thời gian tới, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành xong định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao, cũng như công bố danh sách các vùng chuyên canh của Đề án, các chi nhánh Agribank cũng như các ngân hàng khác có thể tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay đối với từng mô hình. Bên cạnh đó, phía ngân hàng sẽ phối hợp với các sở, ngành và các chủ thể ở từng mô hình nhằm ghi nhận, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề vốn tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này.