Tiêu thụ dầu khả năng cao sẽ ổn định do nhu cầu đi lại tiếp tục phục hồi
Trong tháng 3, thị trường dầu thô thế giới chứng kiến những biến động lớn khi giá dầu trải qua những đợt tăng mạnh gần 140 USD/thùng, nối tiếp là giai đoạn điều chỉnh xuống vùng giá 2 chữ số.
Hôm qua, 24/3, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 117,75 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI đạt 114,93 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (chỉ số đo lường sự biến động của giá các mặt hàng như dầu thô và khí tự nhiên) tăng 3,7% lên 5.180 điểm theo đà chung của giá dầu. Dòng tiền giao dịch của cả nhóm duy trì ở mức cao gần 1.100 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), gần như toàn bộ các báo cáo năng lượng gần đây đều chỉ ra nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022. Các nước châu Âu ngày càng nới lỏng các quy định nhập cảnh, thí dụ như nước Anh đã dỡ bỏ “hộ chiếu Covid”. Đây là động thái thúc đẩy ngành hàng không và du lịch, gia tăng sức hấp dẫn với các hành khách quốc tế. Khoảng 30% lượng dầu trên thế giới được sử dụng cho mục đích giao thông và di chuyển, do đó đây là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy tiêu thụ dầu quay trở về mức 100 triệu thùng/ngày.
Báo cáo tối qua của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA cho thấy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nước này vẫn đang duy trì ở mức trên 21 triệu thùng/ngày. Điều này minh chứng rằng mức giá xăng dầu hiện tại chưa thể khiến cho lưu lượng giao thông sụt giảm.
Nguồn cung dầu tiếp tục là ẩn số khiến giới phân tích đau đầu
Ngược lại, yếu tố nguồn cung dầu đang là ẩn số lớn đối với giới phân tích. Theo ngân hàng Jp.Morgan Chase ước tính, trong tháng 3, lượng dầu thô xuất khẩu từ các cảng tại Biển Đen giảm 1 triệu thùng/ngày, từ khu vực Baltics giảm 0,5 triệu thùng/ngày và ở Viễn Đông (Nga) giảm 0,5 triệu thùng/ngày.
Dựa trên các thống kê này, JP.Morgan Chase dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức 120 USD/thùng. Giá dầu Brent ngày hôm nay, 24/3, đang tiệm cận vùng giá này. Trường hợp các gián đoạn kéo dài, Jp. Morgan Chase cho biết giá có thể chạm mốc 185 USD/thùng.
Trong khi đó, phía Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA ước tính nguồn cung dầu từ Nga sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4, với giả định các lệnh cấm nhập khẩu dầu được giữ nguyên. Con số này tương đương 3% nguồn cung dầu thế giới và nếu không có có sản lượng nào thay thế, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt chưa từng có kể từ những năm 1970.
Tuy vậy, nhóm các nước tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt là Mỹ, đang tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế cho các sản phẩm dầu từ Nga. Theo ước tính, hiện tại Saudi Arabia và UAE có thể đưa thêm công suất tương đương 2,5 triệu thùng/ngày vào hoạt động.
Các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có thể tăng sản lượng thêm gần 700.000 thùng/ngày nếu họ lựa chọn gia tăng năng lực sản xuất. Trong trường hợp 2 quốc gia đang chịu lệnh cấm vận dầu thô của Mỹ là Iran và Venezuela được quay trở lại thị trường, 2 nước này có thể tăng sản lượng tối đa lần lượt là 1,3 triệu thùng/ngày và 0,6 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Để thực hiện được mục tiêu này, Mỹ và châu Âu đang nỗ lực gia tăng các biện pháp ngoại giao. Tuần vừa rồi, thủ tướng Anh Boris Johnson đã thực hiện chuyến thăm tới Saudi Arabia và UAE, nhằm thuyết phục các quốc gia này gia tăng sản lượng. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang duy trì các nỗ lực ngoại giao với Venezuela và Iran. Trong kịch bản lạc quan nhất, thị trường có thể dần lấy lại trạng thái cân bằng vào cuối năm.
Tuy vậy, viễn cảnh này không quá khả thi, đặc biệt khi đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran đang bị hoãn lại. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm cách thuyết phục các đồng minh tại châu Âu gia tăng các biện pháp cấm vận lên Nga trong cuộc gặp mặt tuần này, do đó sản lượng dầu của Nga có thể còn giảm mạnh hơn 3 triệu thùng/ngày.
Ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ
Ngoài các thay đổi về cân bằng cung-cầu, một yếu tố nữa có khả năng tác động đến đến giá dầu là các thay đổi liên quan đến chính sách tiền tệ. Mặc dù trong cuộc họp tháng 3 tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mỹ FED tăng lãi suất ở mức thấp 0,25%, tuy nhiên vẫn có khả năng FED sẽ dần chuyển hướng sang gia tăng lãi suất nhiều lần.
Mỗi thành viên tham gia cuộc họp của FED đưa ra dự đoán của họ về tỷ lệ chính sách trong các năm tới. Sau đó, dự báo lãi suất của họ được vẽ trên biểu đồ dưới dạng một biểu đồ dot-plot. Đây là biểu đồ gồm các dấu chấm, thể hiện kỳ vọng của quan chức FED đối với lãi suất của Ngân hàng Trung ương trong tương lai. Biểu đồ sau cuộc họp tuần trước gợi ý FED có thể tăng lãi suất thêm 6 lần trong 2022.
Việc tăng lãi suất mạnh, mặc dù có thể giúp kiểm soát lạm phát, tuy nhiên cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Lãi suất cao sẽ kéo theo chi phí đầu vào tăng và tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như khiến sức mua của người tiêu dùng giảm, gián tiếp kéo theo các hoạt động sản xuất đi xuống và giảm nhu cầu dầu nói chung. Trong trường hợp FED thực sự ưu tiên mục tiêu chống lạm phát, giá dầu có thể chịu áp lực giảm.