Năm nay, khi bước vào vụ thu hoạch vải lai chín sớm, chính quyền địa phương cũng như người trồng vải ở huyện Phù Cừ không khỏi lo lắng về thị trường tiêu thụ, bởi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, khi người trồng vải lai chín sớm Phù Cừ bắt đầu thu hoạch, tư thương từ các tỉnh đến các vùng trồng vải để thu mua sản phẩm đã giải tỏa phần nào nỗi lo cho đầu ra quả vải của nông dân. Để bảo đảm hoạt động tiêu thụ vải diễn ra an toàn, huyện Phù Cừ đã yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ tư thương đến thu mua vải, bố trí lực lượng hướng dẫn người đến thu mua vải khai báo y tế, tổ chức phun khử khuẩn các xe chở hàng, đồng thời lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm không ùn tắc tại các tuyến đường, điểm thu mua vải.
Xã Tam Đa, huyện Phù Cừ có hơn 240 ha trồng vải, trong đó có 70 ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đặng Văn Viễn ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa cho biết, gia đình trồng một mẫu vải lai chín sớm và bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 5, nhưng giá bán vải đầu vụ giảm 20% so với năm trước, chỉ từ 10 nghìn đến 12 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tới thời điểm hiện tại, vải lai chín sớm Tam Đa chủ yếu tiêu thụ trong nước thông qua đầu mối thu mua trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Đã nhiều năm đứng ra kết nối với các đầu mối tiêu thụ vải cho người dân huyện Phù Cừ, ông Vũ Hồng Ngân ở thôn Thọ Lão, xã Quang Hưng cho biết: “Năm nay, tôi dự kiến thu mua từ 500 đến 600 tấn vải cho nông dân huyện Phù Cừ. Trong đó, tôi liên kết với một thương nhân ở Trung Quốc tiêu thụ 200 tấn; liên kết với tư thương ở tỉnh Lào Cai tiêu thụ 200 tấn; liên kết với một số siêu thị ở Hà Nội tiêu thụ hơn 100 tấn... Ngoài ra, được Sở Công thương Hưng Yên hỗ trợ, tôi còn đăng ký quảng bá, bán vải trên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Để tìm đầu ra cho quả vải Phù Cừ, từ năm 2019, chị Nguyễn Thị Lý ở thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ đã tìm cách liên kết với một số đầu mối ở thành phố Hà Nội để đưa quả vải của quê hương xuất khẩu đi một số nước Đông Âu. Chị Lý cho biết, vụ vải năm nay, chị dự kiến thu mua vải của một số nhà vườn được chứng nhận VietGAP ở xã Tiên Tiến và xuất khẩu khoảng 20 tấn quả vải đi thị trường một số nước Đông Âu.
Để giúp nông dân trồng vải đạt được hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã xây dựng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Hằng năm, tỉnh Hưng Yên hỗ trợ công tác xúc tiến tiêu thụ vải quả, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quảng bá sản phẩm vải quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Công thương tỉnh Hưng Yên tập trung tìm hướng tiêu thụ vải cho nông dân tại thị trường trong nước, thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, các thương nhân phân phối, chợ đầu mối tại các thành phố lớn... Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn đăng tải thông tin, quảng bá, bán sản phẩm vải trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho xe vận chuyển quả vải đi đến các điểm tiêu thụ qua các chốt kiểm dịch. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, việc tiêu thụ quả vải của nông dân ở các vùng trồng vải trong tỉnh Hưng Yên cơ bản diễn ra thuận lợi, an toàn.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 1.400 ha trồng vải, tập trung nhiều ở huyện Phù Cừ, Ân Thi. Sản phẩm vải của Hưng Yên chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh; một số được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. Huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh với 894 ha; trong đó, có hơn 714 ha vải lai chín sớm và gần 180 ha vải trứng. Năm nay, sản lượng vải của huyện Phù Cừ ước đạt khoảng 8.500 tấn; trong đó vải trứng hơn 57 tấn. Hiện tại, các doanh nghiệp, tư thương đang thu mua vải lai chín sớm với giá 10 nghìn - 12 nghìn đồng/kg; vải trứng Hưng Yên 100 nghìn - 120 nghìn đồng/kg.