Theo Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 tỉnh Hưng Yên có tổng điểm số là 45.366 điểm tăng 3.196 điểm so với năm 2020; xếp vị trí thứ 5 trong cả nước, tăng 39 bậc so với năm 2020. Điểm nổi bật, Hưng Yên có 4 nội dung trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất toàn quốc gồm: Tham gia của người dân, công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công.
Đạt kết quả nêu trên, hằng năm tỉnh Hưng Yên ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công; trong đó đề ra các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành đối với từng nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tổ chức các lớp tập huấn trang bị những kiến thức về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cho các đối tượng thuộc các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hưng Yên ban hành và triển khai bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công đối với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kết quả chỉ số PAPI của tỉnh những năm trước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, phân tích kết quả thực hiện theo các trục nội dung của chỉ số, từ đó xác định rõ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Tổ chức các hội nghị chuyên đề tìm giải pháp cải thiện chỉ số PAPI. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu về chỉ số PAPI; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại; UBND các xã, phường, thị trấn giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao trách nhiệm trong công việc; tạo sự thay đổi nhận thức về hành chính công, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Thiều Hương cho biết: Khi triển khai bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công đối với các huyện, thị xã, thành phố, Hưng Yên không chỉ tổ chức khảo sát hiệu ứng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước, mà còn đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã.
Cách làm này có một ý nghĩa rất lớn, thông qua kết quả đánh giá buộc các cấp chính quyền phải đổi mới theo hướng vì dân phục vụ và thông qua cảm nhận của người dân khi được khảo sát sẽ là kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là căn cứ cho hệ thống chính quyền các cấp, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một bộ phận nhân dân vẫn chưa hài lòng về môi trường trên sông Bắc Hưng Hải và các sông nhánh trên địa bàn tỉnh do phải tiếp nhận nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, dân sinh và nguồn nước ô nhiễm khác xả vào; có thời điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Một bộ phận dân cư, chủ yếu là lao động nông thôn, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp; tâm lý và thói quen, lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn chưa cao...
Để tiếp tục duy trì, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công trong những năm tiếp theo, các cấp, các ngành của tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, cung ứng tốt nhất các dịch vụ hành chính công, phát huy vai trò và huy động sự vào cuộc của nhân dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, cởi mở, tâm lý phấn chấn, lòng tin mạnh mẽ cho người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.
Tăng cường triển khai, thực hiện cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả TTHC qua dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công, hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã và dịch vụ bưu chính công ích. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng hồ sơ đã được cá nhân, tổ chức gửi nhưng không được tiếp nhận, xử lý.
Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân. Chú trọng các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, về thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ chính sách cho người dân. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân bảo đảm đúng quy định pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, bảo đảm người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống; nâng cao ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở, cùng tham gia phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước.