Những ý kiến của các đại biểu được đưa ra tại chuỗi hoạt động thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến sinh viên như học tập, hội nhập, khởi nghiệp, tình nguyện, chuyển đổi số, xây dựng tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hội Sinh viên các cấp cần tăng cường sự kết nối, tìm kiếm vốn đầu tư cho hoạt động, dự án khởi nghiệp của sinh viên thông qua các doanh nghiệp, quỹ đầu tư… nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Cùng với đó, các trường đại học, học viện ngoài công tác giáo dục còn cần khéo léo lồng ghép một số hoạt động trau dồi kiến thức, kỹ năng và quan trọng nhất là trải nghiệm về khởi nghiệp cho sinh viên.
Đại biểu Huỳnh Tiến Đạt, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia nhận định: Sinh viên nước ta ngày càng được trang bị lượng kiến thức dồi dào, có đủ tự tin và quyết tâm, hoài bão sánh vai với bạn bè quốc tế trong các cuộc thi, đề tài nghiên cứu khoa học. Rào cản lớn nhất trên con đường khởi nghiệp nằm ở nguồn vốn. Nhưng ngoài vấn đề tài chính, thứ “vốn” sinh viên cần còn là kiến thức, mối quan hệ… Bên cạnh đó, cần có thêm những “công cụ hỗ trợ” như sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến từ các doanh nghiệp, nhất là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Liên quan chủ đề học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn tổ chức Hội Sinh viên các cấp tranh thủ hiệu quả hơn nữa cơ chế của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm đồng hành với các bạn trẻ qua những cơ chế phù hợp.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Trần Đức Sự, tổ chức Hội cần nghiên cứu, xem xét thành lập một hội đồng nhà khoa học trẻ để tiếp nhận những đề tài, “bài toán” đặt hàng nghiên cứu cho sinh viên, qua đây kết nối mạnh mẽ hơn những bạn trẻ đam mê nghiên cứu với phòng thí nghiệm cũng như đội ngũ nhà khoa học có kinh nghiệm. Như vậy, sinh viên mới có thêm ý tưởng, nguồn lực, cơ hội đóng góp sức trẻ và tham gia trực tiếp vào các công trình, ý tưởng, đề án tầm cỡ.
Một trong những vấn đề mà các đại biểu đặc biệt quan tâm là công tác phát triển phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Một số ý kiến cho rằng, dù nhiều năm nay, “Sinh viên 5 tốt” là phong trào được không chỉ sinh viên mà toàn cộng đồng quan tâm, tuy nhiên thực tế lại có sự “vênh” nhất định giữa mức độ nhận diện và sự ghi nhận, đánh giá về phong trào. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa biết đến phong trào hoặc hiểu chưa đầy đủ về nội hàm “5 tốt”. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này cũng diễn ra tương tự trong khối doanh nghiệp, dù những yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng khá tương đồng với các tiêu chí của phong trào.
Vì vậy, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cần xem xét, nghiên cứu đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt” theo hướng mở rộng phạm vi để sinh viên lựa chọn tham gia, rèn luyện với nội dung, phương thức đa dạng; mở rộng đối tượng tiếp cận ra khối học sinh trung học phổ thông để kết nối quá trình rèn luyện giữa hai phong trào “Học sinh 3 tốt” và “Sinh viên 5 tốt”; kết nối cộng đồng những người thành đạt, có sức ảnh hưởng từng là “Sinh viên 5 tốt” để lan tỏa những tấm gương, mô hình hoạt động hiệu quả…
Thời gian qua, Hội Sinh viên các cấp đã đẩy mạnh việc tổ chức những sân chơi, hoạt động văn hóa, thể thao, trao đổi học thuật, tình nguyện vì cộng đồng… cho các bạn trẻ, nhất là về khía cạnh giao lưu, hội nhập, kết nối với cộng đồng sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam. Tin tưởng rằng, nhiệm kỳ 2023-2028, công tác Hội và phong trào sinh viên sẽ được chú trọng tăng cường hàm lượng công nghệ thông tin, tận dụng triệt để thế mạnh của internet và mạng xã hội gắn với các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của sinh viên, đặc biệt là trong việc trang bị kỹ năng mềm cho các bạn trẻ.