Thống kê của chuyên gia Michael McDonald, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Florida, cho thấy, có 31.988.292 lá phiếu sớm tại cuộc bầu cử này, bao gồm hơn 13 triệu phiếu bầu trực tiếp và hơn 18 triệu phiếu bầu qua đường bưu điện.
Hầu hết các bang đã hoàn tất bỏ phiếu sớm, trong khi chỉ một số ít bang không tổ chức bỏ phiếu trực tiếp sớm. Các bang có số lượng bỏ phiếu sớm lớn nhất bao gồm California, Texas và Florida với ít nhất 4 triệu phiếu bầu, trong khi những bang ghi nhận ít nhất 3 triệu phiếu bầu bao gồm Washington, Georgia và North Carolina.
Các bang còn lại đạt từ 2 triệu phiếu bầu trở xuống. Trong số này, bang Georgia đã thu hút rất nhiều sự chú ý với tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay dù chính quyền bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua luật bỏ phiếu hạn chế vào năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, luật bỏ phiếu hạn chế và yêu cầu ID cử tri mới sẽ ảnh hưởng tới số lượng cử tri da màu gốc Phi đi bỏ phiếu.
Theo chuyên gia McDonald, hiện số cử tri da màu tham gia bỏ phiếu sớm chiếm 29,1% trong tổng số cử tri của bang, song tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn khoảng 28%, tương tự như mức 27,7% trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.
Chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí Thống đốc các bang và lãnh đạo chính quyền địa phương.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.