Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chuyên gia quân sự Nga từng công tác tại Việt Nam; cùng ông khơi lại những ký ức không thể nào quên về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Những năm tháng chiến tranh, giai đoạn từ tháng 7-1965 đến tháng 4-1966, ông từng được cử sang Việt Nam làm chuyên gia bệ phóng tại Tiểu đoàn tên lửa 61, Trung đoàn tên lửa phòng không 236, Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp chúng ta làm chủ các loại vũ khí, khí tài hiện đại.
Ông Kolesnik chia sẻ: “Trong đời mình, tôi đã may mắn được gặp Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam một lần và tôi đã dành nhiều trang trong tập hồi ký của mình để viết về điều đó”. Dòng ký ức như ùa về. Ông Kolesnik kể về chiến công trong trận đầu ra quân, hạ gục bốn máy bay Mỹ chỉ với ba tên lửa. Đó thật sự là một kỷ niệm không thể nào quên của người sĩ quan tên lửa. Ông Kolesnik hồi tưởng: “Bốn chiếc máy bay Mỹ xếp thành đội hình sát cạnh nhau, ở độ cao 3.000 m, bay vào trận địa chúng tôi và đã bị ba tên lửa hạ gục. Đó là ngày 21-8-1965, vào lúc 23 giờ 50 phút tại xã Gia Sơn, giáo xứ Xích Thổ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”.
Sau trận đầu đánh thắng, đơn vị chúng tôi trở lại vùng ngoại ô Hà Nội và một lần nữa lại bố trí trận địa trong chế độ trực chiến. Và vào ngày 26-8-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tận trận địa thăm chúng tôi. Với bộ quần áo nâu giản dị, chân đi dép cao-su, Người đến cùng đại diện Bộ Tư lệnh Phòng không Việt Nam, một số phóng viên và cán bộ bảo vệ. Người chăm chú dõi theo các thao tác và sự tính toán kỹ thuật của các chiến sĩ tên lửa phòng không và nồng nhiệt chúc mừng tiểu đoàn chúng tôi với chiến thắng đầu tiên đó, cảm ơn sự giúp đỡ chúng tôi dành cho Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.
Khi tạm biệt, Người bắt tay từng chuyên gia quân sự Liên Xô và nói với chúng tôi bằng tiếng Nga rằng: “Cảm ơn các bạn đã hỗ trợ thật hiệu quả. Chúc các bạn sức khỏe và giành nhiều chiến công mới! Chỉ bằng ba quả tên lửa, các bạn đã bắn hạ tận bốn chiếc máy bay địch. Tôi mong sao các chiến sĩ pháo binh Việt Nam noi gương các bạn, có thể bắn rơi một máy bay địch bằng bốn tên lửa”. Nói xong Người cười một cách giản dị. Tất nhiên, đây chỉ là lời nói đùa của Bác Hồ, bởi theo thống kê, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, để bắn rơi một chiếc máy bay, người ta đã phải bắn đi khoảng 400 quả đạn pháo.
55 năm đã trôi qua kể từ lần duy nhất được gặp Bác, người cựu sĩ quan tên lửa Nga vẫn còn giữ nguyên ấn tượng về sự bình dị, thân thiện và chu đáo toát ra từ con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh Bác Hồ đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia quân sự Liên Xô và chăm chú lắng nghe câu trả lời.
Giữ nguyên ấn tượng về Bác Hồ, về tình quân dân Việt Nam dành cho các chuyên gia quân sự Nga, sau khi trở về nước, ông Kolesnik tích cực tham gia các phong trào thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Ông là Ủy viên Ban chấp hành hội Hữu nghị Nga - Việt. Đầu năm 1988, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội Cựu chuyên gia quân sự Xô-viết tại Việt Nam - một tổ chức xã hội liên khu vực của các chuyên gia quân sự thuộc các nước Liên Xô, công tác tại Việt Nam thời kỳ 1965-1974. Từ năm 1994 đến nay, ông là Chủ tịch Hội này, với tên gọi Hội cựu chuyên gia quân sự Nga từng chiến đấu tại Việt Nam. Năm 2013, ông vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam vì có nhiều đóng góp củng cố và phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa quân đội hai nước LB Nga - Việt Nam.
Nói về Hội Cựu chuyên gia quân sự Nga, ông Kolesnik cho biết, tổ chức này đã thành lập gần 50 năm nay và hằng năm các thành viên của Hội lại gặp mặt tại Moscow, vào ngày 5-8, đúng Ngày quân và dân Việt Nam chiến thắng trận đầu trong cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ (5-8-1964). Trong 20 năm trở lại đây, cuộc gặp mặt hằng năm của các cựu chuyên gia quân sự Nga được tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Hội Người Việt Nam và Hội Doanh nhân Việt Nam tại LB Nga. Dừng lại đôi chút, người lính già nghèn nghẹn: “Đến lúc này thành viên Hội cựu chuyên gia quân sự Nga chỉ còn chưa đầy một nửa, khoảng gần 200 cựu chuyên gia và gia đình của họ. Nhiều người đã ra đi. Những người ở lại sức khỏe cũng giảm dần theo năm tháng…”.
Ông Kolesnik cho biết vừa gửi thư chúc mừng Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh và những người bạn chiến đấu cũ ở Việt Nam, nhân kỷ niệm 45 năm non sông Việt Nam thu về một mối. Ông chia sẻ, tuy năm nay không được gặp mặt nhau, nhưng tình bạn và tình đồng chí giữa những người “bạn chiến đấu”, dù là người Việt, hay người Nga thì không thể phai nhạt.
Cứ mỗi dịp 30-4 hằng năm, Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, là những cựu chiến binh Việt Nam, đang sinh sống tại Moscow lại cùng những chuyên gia quân sự Nga từng chiến đấu tại Việt Nam họp mặt. Cùng nâng chén rượu chúc nhau sức khỏe, và sống lại hồi ức về những tháng ngày bên nhau, chiến đấu vì nền độc lập của đất nước Việt Nam. Năm nay, do tác động của đại dịch Covid-19, nước Nga đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Buổi gặp mặt truyền thống đầy ý nghĩa tại Moscow giữa những người lính Việt - Nga đã không thể diễn ra, nhưng tấm lòng của họ vẫn luôn hướng về nhau, hướng về đất nước Việt Nam, nơi họ đã cống hiến cả tuổi trẻ, sức lực để giúp đỡ nhân dân Việt Nam thống nhất non sông.
Phút giây xúc động cũng trôi qua, khi chúng tôi đề cập tới diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại LB Nga. Ông Kolesnik một lần nữa lại vô cùng ngưỡng mộ đất nước và con người Việt Nam. Ông nói Việt Nam coi “chống dịch như chống giặc”, và với truyền thống đoàn kết một lòng, Việt Nam đã lại một lần nữa chiến thắng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và ông N. Kolesnik trong Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại Việt Nam.
Thư chúc mừng bạn chiến đấu cũ tại Việt Nam của ông N. Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chuyên gia quân sự Nga từng chiến đấu tại Việt Nam, nhân ngày 30-4-2020. (Ảnh do ông N. Kolesnik cung cấp).
Ông N. Kolesnik cùng phóng viên Báo Nhân Dân trong Lễ kỷ niệm Ngày 30-4-2019 tại LB Nga.