Nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; điều tra, nghiên cứu quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến; bảo tồn nguồn gen quý hiếm; quy hoạch các vùng, làng nghề nuôi chim yến trên cả nước... hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận một số vấn đề gồm: Các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt nam; phát triển nguồn tài nguyên yến đảo thiên nhiên các tỉnh duyên hải trên cả nước; kỹ thuật xây dựng nhà yến; kỹ thuật nuôi chim yến; hiệu quả kinh tế, xã hội, khoa học của nghề nuôi chim yến tại Việt Nam; tiến bộ của khoa học công nghệ, bí quyết kỹ thuật ứng dụng trong phát triển nghề nuôi chim yến; xây dựng chiến lược, định hướng phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam; xây dựng thương hiệu quốc gia yến sào đảo thiên nhiên Việt Nam; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển chim yến; thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm yến sào; các phương án phát triển vùng nuôi chim yến gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo...
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Khoa hoạc và Công nghệ địa phương khẳng định, qua hệ thống các công trình nghiên cứu khoa học của mình, Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa đã có đóng góp đáng kể trong phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Về thực tiễn nuôi chim yến, TS Nguyễn Văn Liễu nêu một số vấn đề cần lưu ý, gồm: Có đánh giá toàn diện hơn, cụ thể hơn về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển nghề nuôi chim yến; tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ về nhân giống, thức ăn cho chim non; kiểm soát dịch bệnh trên đàn chim yến; nghiên cứu chế biến nhiều dòng sản phẩm cao cấp; nghiên cứu mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm yến sào Việt Nam...
Hội thảo cũng đóng góp nhiều ý kiến về việc thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam.