Hội thảo kinh nghiệm quản lý nợ công giữa Việt Nam và Lào

NDO -

NDĐT - Sáng 27-9, trong khuôn khổ chuyến thăm Lào của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Hội thảo “Kinh nghiệm quản lý nợ công” giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào khai mạc tại thủ đô Viêng Chăn, Lào dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Y-a-tho-tu; cùng sự tham dự của gần 200 nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế, chuyên gia kinh tế hai nước Việt Nam và Lào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên trái) và Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Y-a-tho-tu đồng chủ trì hội thảo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên trái) và Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Y-a-tho-tu đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Quốc hội Lào tổ chức hội thảo chuyên đề về “Quản lý nợ công”, thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội hai nước đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước trong quản lý nền kinh tế; là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có nhiều cách tính và con số khác nhau về nợ công nhưng đều kết luận: nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, tiệm cận giới hạn theo quy định của Luật Quản lý nợ công và xếp hàng cao trong các nước khu vực. Hiện Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tài chính quốc gia và quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc quản lý nợ công. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng các bạn Lào sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của việc quản lý nợ công cũng như làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách; lập pháp và giám sát thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Y-a-tho-tu cho rằng, cuộc hội thảo lần này nhằm trao đổi các bài học kinh nghiệm trong việc quan lý nợ công giữa hai nước bởi đây là thách thức mà cả hai nước đang gặp phải. Quan trọng làm thế nào để việc quản lý nợ công phục vụ tốt cho việc phát triển và ổn định nền kinh tế.

Tại hội thảo, các tham luận của phía Lào cho thấy, Lào đang cố gắng đẩy mạnh việc quản lý nợ công đạt hiệu quả, đối phó những thách thức đang ngày càng tăng, đặc biệt việc nợ công trong hình thức chính phủ bảo lãnh các dự án lớn, có yếu tố nước ngoài. Theo Phó Thủ tướng Sổm-đi Đuông-đi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào, hiện nợ công trong nước là 616 triệu Đsô la Mỹ, chỉ chiếm 4,61 % GDP và chính phủ có thể quản lý được qua việc đảo nợ ( re-financing) bằng các khoản vay trực tiếp hoặc phát hành trái phiếu. Trong khi đó, nợ công vay từ nước ngoài của Lào hiện nay là 6,5 tỷ Đô la Mỹ, chiếm 48,57 % GDP và phần lớn là các khoản vay có lãi xuất thấp, thời hạn hoàn vốn dài, trung bình là 20 năm. Chính sách của Lào hiện nay là quản lý để mức tăng nợ công thấp hơn mức tăng của nền kinh tế và nằm trong khuôn khổ quản lý được. Thời gian vừa qua, chính phủ Lào đã thắt chặt quản lý như: không cho phép bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân… Hiện, các cơ quan hành pháp mà trực tiếp là Bộ Tài chính đang kiến nghị để Quốc hội Lào thông qua Luật Quản lý nợ công và đưa vào sử dụng, để các cơ quan chức năng có công cụ mạnh trong việc quản lý nợ công có hiệu quả.

Trong khi đó, tham luận của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào TS Ki-kẹo Chăn-thạ-bu-li cho biết, để hạn chế nợ công tăng cao, Lào đang có chính sách hạn chế các dự án kém khả thi, tập trung giải quyết nợ tồn đọng, tăng cường kiểm toán, giám sát thường xuyên để nợ công giảm xuống.

Như vậy có thể thấy, nợ công của Lào trong ngưỡng cho phép, thấp hơn mức trần mà các tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo, có thể quản lý được và Lào đang tiếp tục các biện pháp chế tài hiệu quả nhằm khống chế để nợ công không vượt khỏi giới hạn cho phép, trong tầm kiểm soát.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý nợ công đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2009 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2010, tạo điều kiện việc thống nhất công tác quản lý nợ công, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Nợ công năm 2015 của Việt Nam ở mức 62,2 % GDP và tăng đều trong năm năm liên tiếp (2011-2015) đều tăng. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ với phía Lào về những kinh nghiệm thành công trong quản lý nợ công của Việt Nam, đó là chính sách quản lý nợ công phải quan hệ chặt chẽ với chính sách đầu tư công; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn vay công là yếu tố quyết định tính an toàn, bền vững nợ công, thu hẹp phạm vi đầu tư công, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải để tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế…

Hội thảo kinh nghiệm quản lý nợ công giữa Việt Nam và Lào ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tham luận về quản lý nợ công tại Việt Nam.

Qua các tham luận và báo cáo chuyên đề của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đào Quang Thu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào Xỏn-xay Xít-phạ-xay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Quang… cho thấy, vấn đề nợ công đang trở thành một trong những vấn đề quan trọng và phức tạp trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, không chỉ tại những nước có nền kinh tế quy mô nhỏ hay đang phát triển. Quan trọng, phải xây dựng cho được các biện pháp chế tài hiệu quả, nếu không nợ công sẽ trở thành vấn đề cản trở phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Quản lý nợ công tốt sẽ hỗ trợ việc cân đối ngân sách nhà nước và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ các khoản nợ đã vay như ODA.

Đại biểu hai bên đã trao đổi quan điểm và trình bày tình hình, cơ cấu nợ công của hai nước, những hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng nợ công cùng tác động của nợ công đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của hai nước, các biện pháp kiểm soát về lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai. Đại biểu hai nước cũng trao đổi và tìm hiểu các vấn đề về việc phân cấp, quản lý, giám sát nợ công và vai trò của kiểm toán nhà nước, của các cơ quan chức năng nhà nước cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong công tác quản lý nợ công.