Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 40 báo cáo của 47 tác giả thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học, nhà nghiên cứu trong cả nước và được chia thành hai mảng chuyên môn chính: Khởi nghĩa Tây Sơn và Tây Sơn Thượng đạo; Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Trong số này, có nhiều tham luận có giá trị thực tiễn, như: "Tây Sơn Thượng đạo, nơi khởi đầu khởi nghĩa Tây Sơn" (TS Đinh Bá Hòa); "Kinh nghiệm đoàn kết dân tộc của phong trào Tây Sơn và giá trị thực tiễn" (ThS Võ Thị Ái); "Vị trí địa chính trị - kinh tế - xã hội của Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn" ( PGS, TS Hà Mạnh Khoa)...
Các tham luận đã tập trung vào các vấn đề thảo luận về khởi nghĩa Tây Sơn và Tây Sơn Thượng đạo, vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và các di tích lịch sử văn hóa của phong trào nông dân Tây Sơn trên địa bàn Gia Lai, di chỉ khảo cổ học tại An Khê và và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Tây Sơn Thượng đạo, việc xây dựng nơi đây trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trong mối liên hệ với xây dựng công viên địa chất toàn cầu của tỉnh; phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ học, giá trị địa chất của vùng Tây Sơn Thượng đạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991, gồm sáu cụm di tích phân bố trên địa bàn bốn huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gồm: An Khê, Kbang, Đác Pơ và Kông Chro. Đề dẫn do GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, trình bày tại hội thảo, khẳng định, hội thảo được tổ chức nhằm bổ sung tư liệu mới, tiếp tục làm rõ ý nghĩa của các di tích lịch sử văn hóa trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo; khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; giáo dục truyền thống và phát huy tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau; đồng thời, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các di tích góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thị xã An Khê và các địa phương vùng Đông - Bắc Gia Lai.
Qua hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất và bàn các giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị thuộc di tích, đồng thời kêu gọi đầu tư vào du lịch, quy hoạch phát triển quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, tạo điểm nhấn du lịch ở Gia Lai trong thời gian tới.
Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu được tham quan các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ học tại An Khê và khu vực lân cận, như: Cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo, Di tích khảo cổ thời đại đá cũ Rộc Tưng (thị xã An Khê), Khu di tích lịch sử Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), Đài tưởng niệm chiến thắng Đác Pơ (huyện Đác Pơ)...
![]() |
Đình An Khê, một trong những di tích thuộc Cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê (Gia Lai).