Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Chiều 17/6, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”. 

Toàn cảnh Hội thảo quốc gia. (Ảnh: Viết Thành)
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia. (Ảnh: Viết Thành)

Chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 (khóa XIII), lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các bộ, ban, ngành; Thường trực các tỉnh, thành ủy phía bắc.

Khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp đổi mới kinh tế. Đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới.

Đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dương khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm xây dựng Đề án về vấn đề này trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.

Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã nhận được gần 60 tham luận của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương và các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy địa phương khu vực phía bắc; các đồng chí là chuyên gia, nhà khoa học. 

Tại hội thảo, 9 đại biểu đã trực tiếp tham luận. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp từng giai đoạn cách mạng; qua đó đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị.

Tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương.

Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó. Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu, cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền.

Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực... Đổi mới phương thức lãnh đạo cần phải phù hợp đặc điểm, tình hình của từng loại hình tổ chức Đảng trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, đơn vị kinh tế...

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại... Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến.