Các sự kiện được tổ chức gồm: Hội thảo khoa học “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; Triển lãm ảnh “Kỳ quan núi lửa và Hang động núi lửa”; Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan–Hàn Quốc.
Hội thảo là sự kiện chào mừng cột mốc 15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam, chia sẻ những thành tựu, bài học kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển công viên địa chất.
Đây cũng là dịp để các cơ quan Trung ương và địa phương trao đổi, tìm ra các giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các công viên địa chất; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng; quản lý, xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO.
Theo Đề dẫn Hội thảo, công viên địa chất Việt Nam đã có những điểm nhấn nổi bật trong Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu qua 15 năm phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có 3 công viên địa chất được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO gồm: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
PGS, TS Trần Tân Văn được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (gồm 12 thành viên) và là 1 trong 5 thành viên Ban Điều phối Mạng lưới công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội thảo thông qua các tham luận về: Xây dựng công viên địa chất ở Việt Nam một số khái niệm kiến giải và đề xuất; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông quá trình hình thành và định hướng phát triển; Sự đồng hành của các nhà khoa học trong xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam; Hành trình 12 năm phấn đấu cho danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan Hàn Quốc và những thành tựu đạt được; Quá khứ, hiện tại và tương lai của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đảo Jeju; Những thách thức đối với các công viên địa chất tiềm năng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh; Di sản địa chất và các công viên địa chất ở Nhật Bản...
* Triển lãm “Kỳ quan núi lửa và Hang động núi lửa” trưng bày hình ảnh, sơ đồ về các hang động núi lửa nổi tiếng ở các nước có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Toàn bộ tiêu đề, ảnh và hiện vật tại triển lãm được phiên dịch bằng song ngữ Việt-Anh và được chia làm 3 phần.
Phần trưng bày của tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) giới thiệu 60 ảnh tiêu biểu thuộc núi lửa và hang động núi lửa trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, trưng bày 350 hiện vật khảo cổ được phát hiện, thu thập tại hang C6.1.
Phần trình chiếu video về lịch sử hình thành địa chất Đắk Nông nhằm giới thiệu chung tổng quát về núi lửa và hang động núi lửa trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Phần trưng bày 20 ảnh tiêu biểu về núi lửa và hang động núi lửa thuộc một số Công viên địa chất toàn cầu trên thế giới.
Đặc biệt, một số hiện vật khảo cổ trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm như mũi tên đồng, rìu bầu dục, hòn kê, hòn ghè, mẫu thổ hoàng và các mảnh vỡ bằng gốm, vỏ nhuyễn thể... tìm thấy tại hang C6.1. Đây là những vật dụng của cư dân tiền sử sáng tạo ra để phục vụ nhu cầu săn bắn, hái lượm có niên đại cách đây từ 5.500-4.000 năm - thuộc giai đoạn Trung kỳ đá mới.
* Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan-Hàn Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ, với mục tiêu góp phần thực hiện ở mức cao hơn yêu cầu quan trọng nhất mà các Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đang nỗ lực thúc đẩy thông qua các thỏa ước và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Theo đó, mục tiêu của Biên bản ghi nhớ là hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên dựa trên tinh thần hữu nghị hợp tác, tôn trọng tính độc lập pháp lý và vị thế bình đẳng của mỗi công viên địa chất.
Trong khuôn khổ thỏa thuận, các bên sẽ cùng tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác.
Biên bản ghi nhớ có thời hạn hợp tác là 5 năm, kết thúc khi hết thời hạn hoặc trong trường hợp một trong hai công viên địa chất chấm dứt Biên bản ghi nhớ bằng cách thông báo bằng văn bản trước 1 tháng cho bên còn lại thể hiện ý định muốn kết thúc Thỏa thuận hợp tác...
Cũng tại Lễ ký kết, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan–Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ, trên tinh thần hữu nghị hợp tác, tôn trọng tính độc lập pháp lý và vị thế bình đẳng của mỗi công viên địa chất, nhằm xúc tiến các hoạt động nghiên cứu chung để phát triển công viên địa chất của các bên.