Hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu chuyên sâu về quá trình hoạt động cách mạng, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc, với quốc tế, quy tụ những cán bộ nghiên cứu khoa học của các đơn vị trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước...
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã mang đến hội thảo 53 tham luận nêu bật: Tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn Pác Bó là nơi trở về, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; lựa chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng cơ quan đầu não của T.Ư Đảng, căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đất Cao Bằng, giai đoạn 1941-1945, có ý nghĩa to lớn, mở ra một giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng của phong trào cách mạng cả nước.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, khu lưu niệm danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh trên cả nước, trong đó, có nội dung phát huy các giá trị giúp nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh, với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng thiên tài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Cao Bằng là điểm đặt chân đầu tiên khi Người trở về Tổ quốc. Bởi “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với quốc tế rất thuận lợi”. Với những thuận lợi cơ bản đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là trung tâm đầu não của phong trào cách mạng cả nước, “mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”.
Phân tích nguyên nhân Bác Hồ chọn Pác Bó, Cao Bằng để trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ThS Bế Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ trong tham luận trình bày tại hội thảo, có thể khẳng định, việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó để xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, liên quan việc phát triển phong trào cách mạng của cả nước.
Cao Bằng có “phong trào tốt từ trước”, người dân Cao Bằng có truyền thống yêu nước, từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng luôn một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến...
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo nhấn mạnh, tình cảm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm đặc biệt mà Bác dành cho Cao Bằng: “Bác coi Cao Bằng như quê hương thứ hai của mình”. Năm 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ra đón Bác, Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi”.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của sự kiện này đối với cách mạng Việt Nam.