Hội Thánh Chử Đồng Tử, một lễ hội vùng đặc sắc

Từ trước đến nay, sử sách, văn thơ hiện đại thường ca ngợi hết lời về mối tình tuyệt đẹp, không phân biệt đẳng cấp giữa chàng trai nghèo Chử Ðồng Tử và Công chúa Tiên Dung, con Vua Hùng thứ 18. Còn Tây Cung, người thiếp của Chử Ðồng Tử, hầu như bị lãng quên. Nhưng trong lòng dân, Tây Cung vẫn sống, trường tồn từ đời này sang đời khác.

Trong thần tích do Nguyễn Bính soạn thế kỷ 16, chỉ có đôi dòng về Tây Cung: "Hai người đi trên đường chu du, gặp một người con gái tự xưng là tiên nữ Tây Cung, và sau đó, người này bằng lòng làm thiếp của Chử Ðồng Tử theo ý của Tiên Dung". Trong dân gian, tương truyền, bà sinh ở làng Ðông Kim (tổng An Vĩ) thuộc đất Hồng Châu (nay là huyện Văn Giang và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Mẹ bà đang ngủ, mơ thấy con chim xanh ở phía Tây bay vào, hiện thành Hoàng hậu và nói: "Ta gửi ngươi người con gái, nuôi cho ta ba kỷ", rồi biến mất. Do sự tích này, sau khi ra đời, dân làng gọi bà là Tây Sa công chúa; nhưng trong dân gian, bà được gọi bằng cái tên giản dị: Bà Nguyễn. Ðúng 36 năm, bà hóa ở Lăng Ðông Kim. Tuy đã hóa nhưng bà vẫn ẩn hiện về phụng dưỡng mẹ già, lấy thuốc chữa cho dân làng Yên Vĩ, Ông Ðình đang bị dịch tả.

Chử Ðồng Tử và Tiên Dung nghe tiếng bèn cưỡi ngựa lên Ðông Kim để gặp mặt. Ðến Ông Ðình, thấy bà đang cấy, Chử Ðồng Tử ra câu đối thử tài. Cảm mến người con gái xinh đẹp, thông minh, Chử Ðồng Tử đưa bà về làm thiếp. Ba người sống ở đầm Nhất Dạ, có đủ lâu đài thành quách.

Vua Hùng nghe tin cho quân đến dẹp. Ba người không dám chống lại  Vua cha, sợ bất hiếu, bất trung, từ đầm Nhất Dạ, họ chạy lên Ðông Kim, Ðan Kim. Khi Vua Hùng ốm, bà đem nghề thuốc gia truyền đến chữa cho vua khỏi bệnh. Vua họp triều thần để trả công, bà tâu: "Con là con thứ phối của Chử Ðồng Tử, thay mặt Tiên Dung công chúa để chữa bệnh cho cha. Nay cha đã lành bệnh, con xin bái biệt". Sau này, khi Chử Ðồng Tử và Tiên Dung cùng hóa, Tây Cung cưỡi hạc bay theo. Vua phong cho ba ông bà là Thánh (Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần).

Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng, bà Tây Cung sống mãi trong tâm linh dân gian. Nhân dân thờ bà cùng Tiên Dung công chúa, gọi là Nhị vị phu nhân.

Ghi nhớ công tích của Chử Ðồng Tử và Nhị vị phu nhân, cứ ba năm một lần, dân làng Dạ Trạch và Ðông Kim cùng làm lễ phát Du (rước kiệu Thánh đi du ngoạn) vào ngày 11-2 (âm lịch). Ngày này, đoàn tế lễ Dạ Trạch rước ba kiệu Thánh từ đền Dạ Trạch lên quê ngoại (Ðông Kim), đến đình Ðức Nhuận, kịp gặp ba kiệu Thánh đoàn tế lễ Ðông Kim rước xuống đón. Sáu kiệu cùng quay về đình Ðông Kim để tế lễ, sau đó đoàn tế lễ Ðông Kim đưa chân đoàn tế lễ Dạ Trạch trở về đền Dạ Trạch. Ngoài hai làng Dạ Trạch, Ðông Kim, tám làng thuộc tổng Mễ Sở cũ, ba năm một lần tham gia dự lễ rước kiệu về đền Chánh Ða Hòa để trình các đức Thánh (từ mồng 10 đến 15-3 âm lịch). Các làng xã ven sông, từ Chử Xá sang bên kia sông - xã Tự Nhiên, xã Hồng Vân (Thường Tín - Hà Tây) đều tổ chức lễ hội, tế lễ Chử Ðồng Tử và Nhị vị phu nhân, tạo thành hội liên vùng đông vui.

Như thế, bà Tây Cung đã chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội Chử Ðồng Tử, góp phần tạo dựng nên lễ hội làng và lễ hội vùng đặc sắc, đậm nét văn hóa dân gian của vùng đất bãi phù sa châu thổ sông Hồng. Gần đây, đình Ðông Kim được tu bổ khang trang. Chùa làng bị giặc Pháp phá hoại từ năm 1953, được xây dựng lại trên nền đất cũ đã khánh thành vào dịp Thu Lễ năm 2006, mang tên Quang Tự, thỏa lòng mong mỏi bấy lâu của nhân dân.