Hội ngộ các danh trà trên cao nguyên B’Lao

Dâng trà mời khách.
Dâng trà mời khách.

Sự hội ngộ của 46 danh trà của vùng đất trà Lâm Đồng và các doanh nghiệp trà trong nước cùng hội ngộ trong cuộc triển lãm này thực sự là ngày hội của hương vị trà trên miền cao nguyên bazan.

Cùng với các thương hiệu trà nổi tiếng trong nước, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, không ít danh trà có bề dày gần nửa thế kỷ với nhiều thế hệ gắn với nghiệp làm trà tại B’Lao - Bảo Lộc đã có dịp xuất hiện và giới thiệu sản phẩm gia truyền của mình.

Hơn 80 năm cây chè bén duyên với đất, cũng là bấy nhiêu thời gian con người nơi đây gắn bó phận mình với nghiệp trà. Ở xứ sở này, cây trà lặng lẽ với thời gian, len vào cuộc sống của mỗi con người, của mỗi gia đình, mỗi góc vườn, ngõ phố.

Trở lại với lịch sử, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây chè từ cao nguyên Lâm Viên đã lan dài xuống vùng Bảo Lộc, Di Linh này thời thập niên 30 của thế kỷ trước.

Chè bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của các ông chủ đến từ Tây Dương như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierré…rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy trà, vườn trà của các hộ gia đình.

Ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trà trên quê hương mình, những người làm trà ở vùng đất này đã chọn ngay địa danh B’Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ.

Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của “thương hiệu B’Lao” mà các danh trà sau này, ngoài tên gọi cơ sở sản xuất đều dùng thêm chữ “trà B’Lao” trên bao bì sản phẩm, cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy. Đó có thể là danh trà Quốc Thái, Đỗ Hữu, hay Rồng Vàng, Thiên Thành, Ngọc Trang….và tiếp đến là những danh trà “sinh sau” như Thiên Hương, Bảo Tín, Tâm Châu, Trâm Anh …Điều đó minh chứng thêm cho sự hòa quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất ấy.

Nghề làm trà ở cao nguyên B’Lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Dù cha ông đã về với đất nhưng những người kế nghiệp vẫn giữ cốt cách của nghề gia truyền.

Chúng tôi thăm gian trưng bày của danh trà Làn Hương và xúc động khi chứng kiến bàn thờ tiền bối được đặt trang trọng ở đây, thể hiện lòng thành kính của con cháu với người khai nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Huệ, người con thứ của gia đình, là chủ thương hiệu Làn Hương hôm nay, nói rằng, nghề của gia đình được mẹ cha gây dựng từ năm 1958 với tên gọi ban đầu Trà và bánh Văn Hương. “Không biết bao cặp trà, bánh của gia đình từng làm vật sính lễ cho những đôi uyên ương nên vợ chồng”, chị Huệ nói. Từ thưở ấy đã từng lưu truyền câu thơ lục bát: “Anh về thưa với mẹ cha - Cưới em xin dẫn bánh, trà Văn Hương”.

Anh Nguyễn Phúc – chồng chị Huệ nói thêm: “Gia đình tôi không bao giờ tẩm ướp hương vị trà bằng mùi hương hóa học. Phải giữ hồn trà, giữ cốt cách, chuẩn mực của nghề trà mà cha ông truyền lại”.

Chị  Nguyễn Thị Thêm, người chủ đời thứ ba của Long Vân Trà Gia, cho rằng nhiều danh trà B’Lao đã nổi tiếng từ trước, thế nhưng đến giờ chỉ có người lớn còn nhớ về các danh trà này. Lễ hội này là dịp để trà B’Lao đến được với nhiều người để cây chè có thế đứng và phát triển.

Còn anh Trần Đại Bình – người kế thừa danh trà Thiên Thành thì cho rằng, thế hệ của anh phải tiếp nối truyền thống cha ông nhưng phải biết cách mở rộng sản xuất, thị trường, đa dạng sản phẩm. Điều minh chứng là sản phẩm trà xanh Ô Long của gia đình anh đã đến tận thị trường Pakistan.

Ở Bảo Lộc, chục năm lại đây xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp - doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến làm trà. Họ là những ông chủ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…đến đầu tư thuê đất đai, nhân công và trồng trà để làm giàu và họ đã giàu nhanh chóng.

Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc.

Trà B’Lao không chỉ còn là sản phẩm nội tiêu mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, người dân địa phương và khách thưởng lãm trà nhiều miền khi nhắc đến trà B’Lao thì trong tâm tưởng của họ bao giờ cũng hiện lên hình ảnh những trang trại trà, xưởng trà, phố trà danh tiếng đã xuất hiện từ mấy mươi năm trước.

Những tên gọi thân thuộc gắn với những ông chủ trà xuất thân là những người phu đồn điền từ thưở nước nhà còn dưới ách nô dịch. Họ được coi là tiền bối trong công cuộc dựng nghiệp trà trên cao nguyên miền Thượng…   

Thăm mỗi gian triển lãm, thấp thoáng đằng sau những hộp trà đủ kiểu dáng, mẫu mã đẹp mắt, sau ly trà bốc khói quyện đẫm hương sen, ngâu, lài, sói, cúc là những câu chuyện về trà, về sự kế tục duy trì nghiệp trà gia truyền.

Ông Phạm Quang Tường - chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc, trưởng ban tổ chức lễ hội phát biểu rằng: Mọi hoạt động của lễ hội không nằm ngoài ý muốn tôn vinh người trồng chè và chế biến trà trên mảnh đất này; từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu trà B’Lao, đến nâng cao giá trị của trà và văn hóa trà Việt Nam với bạn bè năm châu.