Hồi ký của “một cây táo gai”

NDO -

Hồi ký, vốn là thể loại xưa nay “mặc định” chỉ dành cho người nổi tiếng, để cho công chúng chí ít thỏa mãn được phần nào những tò mò chung quanh “phía sau” cuộc sống của những người mà họ thường thấy, biết mặt biết tên. Nhưng có một cuốn hồi ký, không về một người nổi tiếng nào cả, vẫn có đủ sức hút để giữ chân độc giả đọc một mạch từ đầu tới hết cuốn sách, và khi gấp lại, vẫn bâng khuâng như chưa ra khỏi những trang viết.

Hồi ký “Thời xuân sắc”.
Hồi ký “Thời xuân sắc”.

Đó là cuốn hồi ký “Thời xuân sắc” của Huệ Ninh, một nữ tác giả trẻ ở Quảng Ninh. Điều đặc biệt của cuốn sách, là tác giả không kể chuyện đời mình, mà kể về người mẹ của chị, từ thủa ấu thơ cho đến khi con cái đã trưởng thành. 

Thông thường, một cuốn sách sẽ thành công nếu đem lại những câu chuyện mà độc giả có thể tìm thấy mình hoặc thấy điểm chung trong đó. Hồi ký “Thời xuân sắc” là một tác phẩm như vậy. 

Nhân vật chính trong cuốn sách, bà Thủy, một cô bé nghèo ở Quảng Ninh, bố mẹ bỏ nhau từ nhỏ, ở với ông ngoại, khi ông ngoại già yếu thì vất vưởng sống nhờ ở những người họ hàng. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, khi người họ hàng túng thiếu, cô buộc phải bỏ học. Cứ như thế, cuộc đời vất cô bé từ nỗi gian truân này sang nỗi gian truân khác, có những lúc tưởng chừng như tận cùng của sự khổ sở, vất vả, nhưng rồi cô lại phải đối đầu với những khổ sở, vất vả lớn hơn. Giống như một cây táo gai trồng ở vùng đất cằn, cứ tắm nắng tắm gió mà xanh tươi.

Những tưởng khi trưởng thành, đi làm, lấy chồng, cuộc đời của cô sẽ sang một trang mới. Nhưng trang mới đó lại cùng kèm theo những gian truân, gập ghềnh mà tưởng chừng sẽ quật ngã người phụ nữ bé nhỏ này (trong sách mô tả bà Thủy cao “mét mốt”, đứng thấp hơn cả cây súng”). Con người của những năm 2020 này khó có thể hình dung ra thời đó, người phụ nữ bé nhỏ ấy từng vác đá, vác đất, tự đóng gạch, tự làm đường… cho ngôi nhà mơ ước của mình, mặc dù ngôi nhà “lưng dựa vách núi, mặt hướng ra biển” ấy quanh năm phải đối đầu với thủy triều lên, gió bão, nguy cơ sạt núi phía sau… Thậm chí, có những lúc bụng bầu 9 tháng, gần đến ngày sinh, bà Thủy vẫn phải trẻo lên chiếc thang tre mong manh để lợp lại mái ngói. Người chồng, vốn mang trong mình dòng máu văn nghệ sĩ, trẻ thì mải mê theo đuổi nghiệp viết, hoặc không biết làm việc nhà, sau này lại thường xuyên đi công tác xa, thế là mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đổ dồn vào đôi vai người phụ nữ này. 

Không chỉ vậy, câu chuyện tình cảm của bà Thủy cũng khá long đong, chỉ vì một lý do hết sức mơ hồ là cha bà bỏ vào trong nam, thời đó như một vết đen không thể gột rửa trong lý lịch mặc dù bà đã phải khai là cha chết từ nhỏ. Hầu hết những người đến với bà Thủy khi đó đều tìm lý do “ngãng” ra khi loáng thoáng biết về việc này. Chỉ đến khi gặp ông Thọ, người tuyên bố: “Kể cả bố em là địa chủ đi nữa anh cũng không quan tâm. Anh chỉ quan tâm tới sự nghiệp nghệ thuật…” 

Cuốn sách dày hơn 300 trang, chứa đựng toàn bộ cuộc đời của nhân vật chính, và cũng mang trong đó những biến cố của lịch sử, xã hội của đất nước giai đoạn chiến tranh, trước khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. 

Một điểm đặc biệt nữa của cuốn sách, là mặc dù câu chuyện của nhân vật chính diễn ra ở một vùng biển nghèo, nhưng kể cả bạn đọc ở thành thị hay nông thôn đều thấy những điểm chung. Bạn đọc thành thị thấm thía cảnh mẹ chở con trên xe đạp đi làm, gửi con ở nhà trẻ gần chỗ làm, ghi đông treo chiếc cặp lồng chứa bữa trưa. Bạn đọc nông thôn thấy cảnh đào ao, đắp đường, lấn biển, trồng rau nuôi lợn gà… Những mảng màu chân thực của cuộc sống khó khăn trong chiến tranh cứ thế được vẽ ra, chân thật mà thấm thía. 

Lợi thế của Huệ Ninh là những nhân vật chính trong cuốn sách đều là người thân, ruột thịt, cho nên chị hiểu và diễn giải được những gì mà gia đình mình đã trải qua bằng con mắt của người trong cuộc. Nhưng cái khó, là viết sao cho không lẫn vào rất nhiều những hồi ký, tản văn về hậu phương thời chiến vốn dĩ đã rất đủ màu và đều có sắc vẻ riêng. Điều này, Huệ Ninh đã thành công, với “Thời xuân sắc”.