Còn người dân làng cộ Chợ Ðược, để tỏ lòng tri ân công đức với tiền nhân, đã đem hết tài nghệ của mình thể hiện trên những bàn cộ (trang trí trên những xe kéo) và cầu mong mọi điều an lành cho một năm mới.
Chuyện kể rằng, Bà họ Nguyễn, húy là Của, vốn là con gái nhà khuê các ở xã Ðại Cường, huyện Ðại Lộc (còn có tên gọi khác là Phường Chào), khi sinh nhằm ngày 25-2 - Canh Thân (1799) có điềm lạ, khói lam mây trắng che phủ mịt mù một vùng, lớn lên trở thành người đẹp, tính nết hiền từ. Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu được nhiều người.
Năm Gia Long thứ 16 (tức năm 1818), nhằm ngày 19-11, Bà quy tiên khi mới ở cõi trần được 19 năm, được nhân dân sở tại lập đền thờ. Tuy thác đi, nhưng với lòng thương mến dân lành, Bà thường hiển linh cho thuốc cứu người, trừng trị quan tham hà hiếp dân lành...
Cũng tương truyền, vào năm Tự Ðức thứ 5, Bà qua vùng này thấy phong cảnh hữu tình nên trụ lại, mách bảo dân chúng lập chợ, đặt tên thôn là Phước Ấm. Không lâu sau, nơi đây mau chóng trở nên sầm uất, dân chúng tụ về làm ăn phát đạt, khu chợ ngày trước được dân gọi là Chợ Ðược (với hàm nghĩa cầu chi cũng được, thuận tiện, may mắn!). Trường Giang cũng trở thành nơi giao thương đường thủy tấp nập, bởi đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, có tải trọng vài chục tấn có thể mang hàng hóa đi tận Gia Ðịnh, Ðồng Nai...
Ðể tri ân công đức Bà, nhân dân lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn lên Bộ Lễ xin phong sắc. Vào năm Thành Thái thứ 6, Bà được triều đình phong "Trung đẳng thần" và năm Khải Ðịnh tứ tuần tiếp tục phong "Thượng đẳng thần".
Lễ hội rước cộ sở dĩ diễn ra đúng vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm bởi người dân làng Chợ Ðược đón nhận sắc phong của Bà vào đúng ngày này, các ngày sinh, quy của Bà cũng đều được nhớ và cúng vái... (Hiện lăng mộ của Bà vẫn được nhân dân thờ cúng hằng năm tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Ðại Lộc và đây cũng là Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra long trọng hằng năm vào ngày 25-2 âm lịch, tại xã Duy Thu, Duy Xuyên nằm bên sông Thu Bồn). Việc này được chép đầy đủ trong Thần phả. Từ đó thành lệ, hằng năm, nhân dân tổ chức rước sắc Bà đi khắp khu chợ, mở hội vui chơi múa hát.
Hội cộ chỉ diễn ra ban đêm, sau khi các vị cao niên trong làng tiến hành xong phần lễ diễn ra ở lăng thờ Bà, các món cúng đều là các món chay, sắc phong do sáu người khiêng sẽ dẫn đầu đoàn cộ (được đặt trên các xe bò đẩy đi), có phường bát âm, trung đại cổ cùng cờ phướn, tàn lọng, người dân hai bên đường bày hương án đốt cung kính nghinh đón, lệ đó đến nay vẫn còn. Nghệ nhân làng cộ có tài chọn trích đoạn diễn Cộ như Thánh Gióng đuổi giặc Ân, Hai Bà Trưng đánh Tô Ðịnh... để từ quan chí dân, từ trẻ đến già ai nhìn vào cũng biết.
Rước kiệu trong ngày hội.
Nếu ban đêm, Chợ Ðược náo nhiệt bởi rước cộ thì ban ngày hội đua thuyền trên sông Trường Giang càng bội phần sôi động. Ðã thành lệ, hội đua thuyền mỗi năm không thiếu các ghe đua đến từ khắp nơi như Hội An, Duy Xuyên, Ðại Lộc, Núi Thành... Ðó là một cuộc so tài, đọ sức, đấu trí quyết liệt bởi các tay ghe đua không chỉ "ăn" nhau ở sức chèo, mà còn ở tài lèo lái, vặn "tiêu"...
Không chỉ ở Hội cộ Chợ Ðược, ở bất kỳ cuộc đua nào, tên tuổi của ghe thắng cuộc cũng như ông bầu ghe, người đóng ghe và các "con bơi" của ghe đó sẽ lan truyền nhanh như gió khắp vùng. Làng nào thua cuộc sẽ cử người đi tìm thợ giỏi đóng ghe đua mới. Không khí thi thố sục sôi, mang đậm nét văn hóa của người dân vùng sông nước sẽ còn kéo dài trong suốt các tháng hai, tháng ba âm lịch ở nhiều địa phương có tổ chức hội hè.
Lễ hội cổ truyền Chợ Ðược được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ ơn Bà, và được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức, với mong muốn sẽ nâng tầm lễ hội lên cao hơn, góp thêm cho Quảng Nam một điểm du lịch mới hấp dẫn.