Hội chứng Guillain Barre

Bệnh đặc trưng bởi liệt vận động tiến triển, nặng nhất thường vào thời điểm 1-2 tuần sau khởi bệnh, giảm hoặc mất phản xạ gân cơ, thường kèm rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng thần kinh thực vật thoáng qua.

Bệnh thường xảy ra sau nhiễm trùng hô hấp hoặc tiêu hóa. Trong trường hợp nặng có thể yếu liệt cơ hô hấp đưa đến suy hô hấp cần phải giúp thở.

Tên gọi của bệnh là do hai bác sĩ Guillain v Barre mô tả đầu tiên 1916 các trường hợp lâm sàng điển hình, với biểu hiện dịch não tủy đặc trưng.

Chẩn đoán hội chứng Guillain Barré chủ yếu dựa vào lâm sàng tổn thương liệt mềm, đối xứng, hướng lên, giảm hoặc mất phản xạ gân cơ, kèm hoặc không rối loạn cảm giác, rối loạn thần kinh thực vật (hạ huyết áp, cao huyết áp, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, rối loạn tiết mồ hôi,…).

Xét nghiệm cận lâm sàng dịch não tủy và đo điện cô giúp hỗ trợ chẩn đoán.

Chẩn đoán phân biệt: trẻ bị yếu liệt chi cũng thể do các nguyên nhân khác gây ra như soát bại liệt, nhược cơ, viêm tủy cắt ngang, hạ kali máu, tăng kali máu, nhiễm Botulinum,…

Do đó, phụ huynh lưu ý khi thấy con mình có các biểu hiện sau cần đưa đến bệnh viện sớm để được thăm khám, định bệnh chính xác và điều trị thích hợp:

- Đi loạng choạng

- Yếu chân hoặc tay hoặc cả tứ chi

- Nuốt khó, nuốt sặc, nói khó

- Thở hổn hển - thở kiểu bụng

Mới đây, Khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận điều trị cho hai trường hợp trẻ bị liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp cần phải hỗ trợ hô hấp qua máy thở.

Hai hai trẻ đều có biểu hiện liệt mềm các cơ tứ chi, đối xứng hai bên, nhiều đàm nhớt ở miệng, không nuốt được vì liệt các cơ nuốt vùng hầu họng, thở hỗn hển kiểu bụng vì liệt các cơ hô hấp, phản xạ gân cơ giảm.

Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm dịch não tủy, các bác sĩ đã chẩn đoán các em bị hội chứng Guillain Barré đang diễn tiến đến suy hô hấp nặng, và xử trí đặt nội khí quản giúp thở cho các cháu, cùng với điều trị chăm sóc hỗ trợ khác như dinh dưỡng qua ống thông dạ dày, vật lý trị liệu hô hấp vận động để tránh xẹp phổi, cứng khớp, teo cơ, lở loét do nằm lâu, vệ sinh cơ thể, răng miệng, các thủ thuật như hút đàm nội khí quản, thiết lập đường truyền tĩnh mạch,…đều phải tuân thủ nguyên tắc vô trùng để phòng ngừa nhiễm trùng thêm cho trẻ.

Hiện tại các trẻ đang ở giai đoạn đầu của tiến trình điều trị. Việc điều trị đòi hỏi nhiều tuần đến nhiều tháng để cho trẻ phục hồi sức cơ và tự thở được để cai máy thở, nên rất cần phối hợp với các chuyên khoa như hồi sức, hô hấp, nội thần kinh, vật lý trị liệu, đặc biệt là chuyên khoa tâm lý - vì trẻ thở máy lâu ngày, bị lệ thuộc máy thở nên rất “sợ” tập thở.

Do đó trẻ rất cần được các chuyên gia tâm lý giải thích động viên cũng như sự hợp tác, hỗ trợ từ phía phụ huynh gia đình trẻ.