Hội chứng “chúa tể của những con ruồi” của lính Mỹ

NDO - NDĐT- Kiểu hành xử kỳ lạ của lính Mỹ với những xác chết của đối phương được báo The Newjork Times gọi là Hội chứng “Chúa tể của những con ruồi”: theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn William Golding - người từng đoạt giải Nobel văn học (nguyên văn của tác phẩm này là Lord of the flies).

Trong tiểu thuyết này, một nhóm thiếu niên từ nước Anh sống sót sau một tai nạn máy bay, bị kẹt trên một hoang đảo. Dần dần, những thiếu niên này hành xử dã man theo kiểu bộ lạc mà không có lý do rõ ràng, họ thích xếp thành vòng tròn và cầu kinh. Một số hành vi của họ giống bản năng của động vật trong thế giới tự nhiên hoang dã. Họ không hề quan tâm đến hậu quả tiêu cực của hành động, một phần vì họ tin rằng có những thế lực khác bảo vệ họ. Qua tác phẩm này, nhà văn đi tìm triết lý về con người và bản chất của cái ác, nhất là tâm lý đám đông khi con người bị cách ly khỏi nền văn minh. Thực tế là, điều mà William Golding dự báo đang xảy ra ở Afghanistan và nhiều nơi khác trên thế giới.

Hội chứng “Chúa tể của những con ruồi” đang lan tràn trong quân đội Mỹ. Xuất phát điểm của bài viết này là những bức ảnh gây chấn động dư luận được đăng tải trên The Los Angeles Times, mô tả cảnh hàng chục binh lính thuộc lữ đoàn 4, sư đoàn không vận 82 của Mỹ cùng một số lính an ninh Afghanistan tạo dáng chụp ảnh bên cạnh những cánh tay và cẳng chân bị đứt lìa của quân Taliban ở tỉnh Zabul năm 2010. Trước đó, những đoạn băng video quay cảnh lính thủy quân lục chiến Mỹ đi tiểu lên các thi thể Taliban, đốt kinh Koran, nghiêm trọng nhất là vụ trung sĩ Bales bắn chết 16 thường dân vô tội bao gồm cả phụ nữ và trẻ em ở Kandahar, đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm hờn của người Afghanistan. Trong bài viết của mình, các tác giả viện dẫn những báo cáo gần đây cho thấy, lính Mỹ được cử tới để thu thập dấu vân tay và quét võng mạc các xác chết nhằm xác định các đối tượng mang bom tự sát, do đó, họ phải tiếp xúc với những bộ phận cơ thể đẫm máu bị cắt rời. Tuy nhiên, hình ảnh lính Mỹ đi tiểu lên những xác chết thì chắc chắn không phải là nhiệm vụ quân sự cao cả gì, mà là những hành vi phản cảm điển hình nhất. Các quan chức quân đội Mỹ đang hết sức lo ngại về sự lây lan nhanh chóng những hình ảnh “không đẹp” do điện thoại chụp ảnh và các phương tiện ghi hình rất phổ biến trong binh lính. Họ cũng sợ rằng sẽ không kiểm soát được các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển rất nhanh chóng. Do đó, hội chứng kiểu này sẽ lan nhanh và tạo ra hiệu ứng xã hội rộng lớn.

Đề cập về sự kiện này, một số quan chức cấp cao của Mỹ vừa lên án hành vi của binh lính, vừa tìm cách bao biện. Họ cho rằng, các đơn vị lính Mỹ bị cô lập và căng thẳng quá mức nên có hành vi ứng xử kém. Tại một cuộc họp của NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta phê phán hành vi đó và hứa điều tra đầy đủ các trường hợp gần đây. Ông nhấn mạnh: “Nó chắc chắn không phải những gì chúng ta đại diện khi nói đến đại đa số những người đàn ông và phụ nữ mặc quân phục”. Bình luận về việc này, Tổng thống Obama cũng nói rằng, những người chịu trách nhiệm cho những hành động đó sẽ phải “chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, quan chức Afghanistan mô tả thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong công chúng khi xảy ra hết sự cố này đến sự cố khác của lính Mỹ trong năm qua. Hậu quả là lại có thêm những đòn trả thù dữ dội của lực lượng Taliban nhằm vào binh lính Nato đang hiện diện ở đất nước này. Thậm chí, Taliban cài cắm cả người của họ trong lực lượng an ninh Afghanistan để sát hại lính Mỹ và liên quân.

Hội chứng “Chúa tể của những con ruồi” của lính Mỹ đã từng diễn ra ở Việt Nam và đã được ghi nhận như là “Hội chứng giết người man rợ” qua ống kính của phóng viên quân đội Mỹ Ronald L.Haeberle ghi lại và công bố cho toàn thế giới biết. Ai đã có dịp đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh hay thăm nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc sẽ chứng kiến hàng trăm nghìn bức ảnh và hiện vật - những bằng chứng không thể chối cãi rằng, lính Mỹ đã có những hành vi vô cùng man rợ, tàn bạo, vô cảm với người dân Việt Nam trong thời gian chiến tranh, thậm chí còn coi việc giết người, mổ bụng, moi gan, tra tấn tù binh như một trò tiêu khiển.

Hội chứng “Chúa tể của những con ruồi” là sự biến thái tâm lý, “xuống cấp đạo đức” của một bộ phận binh lính tham gia vào các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ chiến đấu không phải với một tinh thần dân tộc cao cả hay chủ nghĩa yêu nước, mà vì miếng ăn và sự thúc ép. Một hành động không có mục đích tốt đẹp là hành động của những rô-bốt phi nhân tính mà thôi. Trên thực tế, khi lính Mỹ tham chiến ở nước ngoài là lúc họ bị lôi tuột ra khỏi cộng đồng và môi trường sống quen thuộc. Họ phải sống trong những môi trường chiến tranh phi nhân văn nhất, thậm chí có người phải chấp nhận lối sống như dã thú trong rừng nguyên sinh cổ xưa, phải căng mình lên để đối phó với kẻ thù chung quanh, ngày cũng như đêm. Súng đạn và bom mìn sẽ nhanh chóng biến những con người ấy thành thứ máy móc huỷ diệt đồng loại. Đó chính là thông điệp của tác phẩm “Chúa tể của những con ruồi” mà William Golding muốn mang đến cho nhân loại. Sự tức giận dồn nén của người dân Hồi giáo càng tăng lên khi cuốn phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” đã khiến cho các cuộc biểu tình, bạo động lan ra bốn châu lục và ngày càng nguy hiểm.

Rõ ràng, cùng với những hội chứng của cựu binh Mỹ như hội chứng nghiện thuốc an thần, hội chứng tự sát, hội chứng “Chúa tể của những con ruồi” thể hiện sự khủng hoảng giá trị ngay trong lòng nước Mỹ. Xã hội Mỹ dường như chất thêm một gánh nặng tâm lý xã hội có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và hành vi của con người.