Tại chương trình “Nghe hiện vật kể chuyện” được Bảo tàng Ðà Nẵng tổ chức nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Ðà Nẵng kháng Pháp (1858-2018), hàng trăm học sinh THPT Ðà Nẵng đã lặng người xúc động khi nghe các diễn giả kể về một thời lịch sử hào hùng của cha ông. Sự kiện được tổ chức ngay trên di tích đặc biệt cấp quốc gia Thành Ðiện Hải, bên những khẩu súng thần công, bên tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với học sinh. Không chỉ được viết trong sách vở, mà lịch sử được minh chứng bằng chứng tích, hiện vật. Em Nguyễn Ngọc Minh, học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà) xúc động nói: “Nếu chỉ nghe về lịch sử trong sách vở, thì sẽ khó để nhớ về những mốc thời gian. Nhưng khi chúng em được tham gia giờ học tại Bảo tàng Ðà Nẵng, nhờ các hiện vật đang trưng bày mà cách hiểu, cách tiếp cận lịch sử dễ thấm hơn. Từ đó, khi áp dụng vào các tiết học môn lịch sử, sẽ dễ hiểu và bớt khô khan”.
Tại Bảo tàng Ðà Nẵng, chương trình sinh hoạt câu lạc bộ Em yêu lịch sử được triển khai từ năm 2011. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và học sinh, nhất là học sinh khối THPT. Nội dung của chương trình xoay quanh các chủ đề về lịch sử - văn hóa và vấn đề chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kiến thức lịch sử được cung cấp thông qua các trò chơi tìm hiểu, phần thi hùng biện giúp khơi gợi sự hứng thú, yêu thích đối với lịch sử, qua đó giúp các em ghi nhớ các sự kiện một cách dễ dàng sâu sắc hơn. Chương trình Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng Ðà Nẵng được triển khai từ tháng 9-2014. Chương trình nhằm tạo ra những giờ học ngoại khóa sinh động, hấp dẫn cho học sinh thông qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày. Xác định tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử cho học sinh, bên cạnh việc dạy học trên lớp, các trường tổ chức nhiều hoạt động, ngày hội giao lưu và cho học sinh tham quan bảo tàng để các em có cơ hội tìm hiểu truyền thống cách mạng, lịch sử Ðà Nẵng. Trên cơ sở 12 chủ đề khác nhau do bảo tàng biên soạn phù hợp lứa tuổi học sinh, các trường học đã lựa chọn chủ đề thích hợp với học sinh của mình và đăng ký hoạt động. Cách tiếp cận trực quan, sinh động và gợi mở đã giúp học sinh hứng thú hơn với kiến thức lịch sử, văn hóa. Giám đốc Bảo tàng Ðà Nẵng Huỳnh Ðình Quốc Thiện cho biết, việc tổ chức các hoạt động giáo dục tại bảo tàng, nhằm tuyên truyền cho học sinh về giá trị lịch sử, văn hóa, từ đó định hướng cho các em tham gia bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp. Ðây là chương trình mang lại hiệu ứng tích cực từ phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Tại Bảo tàng Ðiêu khắc Chăm cũng tổ chức chương trình Cùng em khám phá bảo tàng với nhiều nội dung đổi mới, tăng sự tương tác. Cùng với việc thuyết minh nội dung liên quan, bảo tàng còn xây dựng các trò chơi phù hợp nhằm cuốn hút học sinh đến với bảo tàng. Em Hoàng Lan Anh, học sinh lớp 7/6, Trường THCS Trần Hưng Ðạo (quận Hải Châu) chia sẻ: Qua giờ học lịch sử địa phương tại bảo tàng, chúng em được nghe các cô, chú hướng dẫn viên giới thiệu về hiện vật được trưng bày, những nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm. Chúng em còn tham gia một số trò chơi tập thể với nội dung liên quan tới các hiện vật. Các trò chơi này giúp chúng em gắn kết và củng cố kiến thức cho học sinh như hỏi đáp, con số may mắn, bức tranh bí ẩn…
Thầy giáo Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho biết, nhờ những trò chơi bổ trợ và vận động được thiết kế lồng ghép trong buổi học đã giúp học sinh ghi nhớ các kiến thức, thay vì chỉ được nghe, nhìn khi đến bảo tàng như trước đây. Tìm hiểu về lịch sử quê hương thông qua các hiện vật là cách đưa học sinh đến gần hơn với các giá trị văn hóa, lịch sử. Chính thế hệ trẻ mới là người tiếp nối để gìn giữ các giá trị này một cách tốt và bài bản nhất.
Từ những hiệu ứng tích cực, hiện nay, các bảo tàng trên địa bàn Ðà Nẵng đang tích cực phối hợp ngành giáo dục xây dựng chương trình cụ thể, để tiếp tục triển khai hiệu quả. Chỉ tính trong ba năm trở lại đây, Bảo tàng Ðà Nẵng đã đón hàng nghìn lượt học sinh các cấp đến với bảo tàng. Các bảo tàng khác như: Ðiêu khắc Chăm, Quân khu V, Mỹ thuật Ðà Nẵng đều xây dựng các chương trình ý nghĩa dành cho học sinh toàn thành phố. Nhiều giáo viên cho rằng, để chương trình thu hút ngày càng nhiều học sinh, các bảo tàng cần giãn thời gian, có thể tổ chức nhiều hoạt động trong dịp hè để bảo đảm tất cả học sinh đều được tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Duyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) cho biết, trước đây, nhà trường có chủ động đưa học sinh đi tham quan bảo tàng nhưng chỉ nghe hướng dẫn viên thuyết minh, không có các trò chơi tương tác nên các em ít hứng thú. Với thiết kế một buổi học 90 phút ở Bảo tàng Ðiêu khắc Chăm, học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động nhưng bảo tàng cần phải có sự giãn ra về mặt thời gian để nhà trường có thể sắp xếp, bố trí đưa học sinh tham gia hiệu quả nhất.