Dự hội thảo có gần 40 học giả, các nhà nghiên cứu và sinh viên thuộc Viện Phương Đông học, Viện Viễn Đông, Đại học tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, Viện Kinh tế cao cấp, Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao và Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga…
Phát biểu khai mạc hội thảo bàn tròn, Giáo sư, Tiến sĩ Dmitri Mosyako, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông - Nam Á, Australia và châu Đại Dương cho rằng, tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, vì nó không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các nước trong khu vực, mà còn tác động tới sự cạnh tranh ảnh hưởng và chiến lược của các cường quốc Mỹ - Nga - Trung đối với khu vực này.
Các tham luận tại hội thảo đã đề cập đến nhiều chủ đề như: Những diễn biến tình hình mới nhất tại Biển Đông, vòng cung bất ổn Đông - Nam Á, sự xung đột quyền lợi giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông, hiện trạng luật pháp quốc tế sau phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) về đơn kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông, các vấn đề và triển vọng ký kết Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), chính sách của Việt Nam và các nước ASEAN, cũng như của Nga đối với xung đột tại Biển Đông.
Tại hội nghị, các chuyên gia khẳng định cuộc xung đột trên Biển Đông đang là một trong những mối đe doạ lớn nhất đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu. Các học giả cũng nêu rõ phán quyết của Toà trọng tài La Hay đã cho thấy rõ tính bất hợp pháp của các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền đối với 80% diện tích mặt nước trên Biển Đông của Trung Quốc và bày tỏ lo ngại trước những hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, các bên tranh chấp tại Biển Đông, trước hết là Trung Quốc và các nước ASEAN cần phải giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và bằng biện pháp hoà bình, loại bỏ các đe doạ sử dụng vũ lực và cần hành động trên cơ sở các Hiệp định quốc tế và Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Trung Quốc và ASEAN cần nhanh chóng đàm phán và đi đến ký kết COC mang tính ràng buộc pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua đó tìm kiếm những thoả hiệp mới.
Đồng thời, Nga nên tham gia tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông với vai trò trung gian hoà giải dựa trên uy tín chính trị của một cường quốc, mối quan hệ tốt đẹp của Nga với Trung Quốc, ASEAN và kinh nghiệm của Nga trong giải quyết xung đột ở nhiều điểm nóng trên thế giới.
Tại hội thảo cũng giới thiệu cuốn sách “An ninh và hợp tác tại Biển Đông: Sự tiến hoá các lợi ích quân sự và chính trị của các bên liên quan” là tập hợp các bài nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Biển Đông do Viện Phương Đông học xuất bản năm 2017.