Học Bác từ những việc nhỏ

Trên cơ sở nội dung học Bác về "trọng dân", cũng như phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tỉnh ủy An Giang xác định: Sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo là điều cần làm trước. Và cũng từ tinh thần này, nhiều cán bộ, đảng viên ở An Giang đã xung phong, đi đầu theo từng nhiệm vụ, phần việc cụ thể.

Lễ bàn giao nhà tình thương cho người nghèo ở xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, An Giang).
Lễ bàn giao nhà tình thương cho người nghèo ở xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, An Giang).

Gương mẫu, nói đi đôi với làm

Năm 2010, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn còn nhiều khó khăn và điều kiện xây dựng nông thôn mới có xuất phát thấp. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ông Huỳnh Công Tấn thấm nhuần tư tưởng của Bác về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó quyết tâm vận dụng sáng tạo trong từng nhiệm vụ. Huy động mọi đoàn thể cùng vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Tấn còn giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, trong tham gia giám sát việc xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, cũng như huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài xã.

5 năm gần đây, kết hợp cùng các đoàn thể, quỹ vì người nghèo, các tổ chức cá nhân trong và ngoài xã, ông Tấn đã vận động được hơn 34,5 tỷ đồng phục vụ an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. "Lời Bác dạy về đoàn kết đã trở thành khẩu hiệu. Học Bác để làm việc có ý nghĩa. Những việc làm của Ðảng và Nhà nước là vì mục đích lo cho dân, vì dân phục vụ. Học Bác và hành động vì dân, đó không chỉ là niềm vui vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Ðảng và Nhà nước giao cho, mà còn là niềm vui khi được đóng góp, giúp đỡ bà con nghèo, cũng như công tác xã hội của địa phương", ông Tấn bộc bạch.

Cũng bởi sự tích cực, nhiệt thành của ông, nên hầu hết các địa bàn, thôn ấp trong xã, khi ông Tấn kêu gọi, vận động thì mọi người đều đồng tình ủng hộ. Nhiều người nhắc về ông Tấn với tình cảm chân thành. Như trường hợp hộ gia đình bà Võ Kim Phượng (ở ấp Trung Bình Nhì), do hoàn cảnh nghèo khó, nhà ở lụp xụp, làm thuê quanh năm, chồng con đau ốm… Mọi thứ dồn lên đôi vai của người phụ nữ trong nhà. Thấy được hoàn cảnh của gia đình, ông Tấn đến động viên và vận động các nguồn tài trợ, giúp xây mới được ngôi nhà, trao một thẻ bảo hiểm hộ nghèo, và thêm kinh phí điều trị bệnh.

Tuyến đường ở ấp Tây Huề thuộc xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn dài gần 5 km. Trước đây, mặt đường cũ chỉ khoảng 2,5 m, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi mở rộng mặt đường lên 3,5 m, bà con nơi đây ai cũng phấn khởi. Ðó là thành quả của sự chung lòng, của sự hợp nhất giữa ý Ðảng lòng dân. "Họp dân thì được thông tin chi tiết ý nghĩa của việc làm đường, rồi mình cũng thấy các cán bộ đã tiên phong, gương mẫu nên mình làm theo. Xây dựng nông thôn mới là giúp phát triển cho quê hương giàu đẹp mà, mình cũng nên đóng góp chút công sức", ông Quách Văn Tùng ở ấp Tây Huề chia sẻ.

Giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn gần 2.120 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đóng góp gần 400 tỷ đồng, chiếm 16,48%. Ðạt được kết quả này, ngoài đối thoại, vận động, tuyên truyền trực tiếp có sự gương mẫu, đi đầu của cấp ủy, chính quyền cũng như từng cán bộ, đảng viên giúp lan tỏa phong trào "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong xây dựng nông thôn mới ngày càng rộng khắp.

Học Bác để sẻ chia yêu thương

Người dân ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành gọi ông Nguyễn Văn Sáng là "kỹ sư nông dân" dù mới chỉ học hết lớp 5 trường làng. Tính đến nay, ông cùng đồng đội đã xây dựng hàng trăm cây cầu trong và ngoài tỉnh. Trong đó có khoảng 50 chiếc cầu bê-tông, cốt thép, có tuổi thọ trung bình dự kiến hơn 70 năm.

Người dân ấp Vĩnh Quới đang chờ đón một cây cầu do nhóm của ông Tư Sang xây dựng đưa vào sử dụng. Cây cầu có chiều dài 64 m, ngang 5 m, với trọng tải tám tấn. Ðược biết cây cầu có dự trù kinh phí thực hiện khoảng 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Văn Sáng cùng đội của mình đã tính toán chi ly để giảm chi phí, từ nhân công, đến nguyên vật liệu, nên ước kinh phí thực xây dựng còn khoảng 2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng. Nói về Ðội thi công cầu tự nguyện này, mà người đứng đầu là ông Sáng (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) thì cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đây đều nhắc đến với tình cảm trìu mến.

Với ông hình ảnh và những câu chuyện về Bác luôn có sức thuyết phục mọi hành động của ông. Bởi thế mà hơn 40 năm nay, ông chưa một phút giây sao lãng, ông nói "Học Bác, tôi đã nguyện cống hiến chút công sức cho quê hương đất nước đến khi nào sức không thể làm được nữa mới thôi".

Ông Ðoàn Văn Hổ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ba mẹ tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bản thân ông từng tham gia quân đội và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Cam-pu-chia. Ðến tháng 11-1984, ông xuất ngũ trở về hoạt động tại địa phương. Với ý thức của một quân nhân và cùng hoàn cảnh khó khăn thuở nhỏ, từ khi xuất ngũ, ông dành hầu hết thời gian để quan tâm, chăm lo cho bà con nghèo ở quê mình.

Tính đến nay, đã hơn 20 năm ông phát tâm làm việc thiện. Khi được hỏi về số căn nhà mà ông đã cất cho bà con vùng biên giới, ông bảo mình cũng không nhớ nổi. Riêng tính trong ba năm trở lại đây, đã có khoảng 200 căn nhà được trao tặng. Mỗi căn nhà được dựng mới là niềm vui của ông, cũng như của từng thành viên trong đội làm từ thiện. Và ông cho rằng, đó cũng là những việc cụ thể, cần thiết khi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Việc học tập và làm theo Bác không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong tổ chức đảng, đoàn thể mà còn sâu rộng trong toàn nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Cụ thể ở các phong trào thi đua như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam,… đã mang lại kết quả khả quan, nhiều mô hình đi vào thiết thực, có tác động tích cực đến hệ tư tưởng cũng như trong hành động. Riêng giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh gần 14.800 tỷ đồng.

Bình dị, giản đơn trong cách nghĩ và làm, song nhắc nhớ về những cán bộ vì dân, những "thủ lĩnh" vì dân của vùng Bảy Núi An Giang thì đó đều là những tấm gương có đức tính kiên trì, vượt khó, cần kiệm, góp phần cùng với địa phương chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, mà còn giúp khơi gợi tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia yêu thương, sự lan tỏa đức tính tốt đẹp trong nhiều người và ở khắp mọi nơi.