Phát biểu tại hội nghị, Ðại tướng Phan Văn Giang khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý là một trong những nội dung đổi mới trong công tác cán bộ, được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị.
Ðại tướng Phan Văn Giang yêu cầu, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này phải bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đề cao trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người ghi phiếu tín nhiệm; bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; lấy kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể để đánh giá và ghi phiếu tín nhiệm đối với cán bộ.
Ðại tướng Phan Văn Giang lưu ý, cùng với việc lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa tinh thần "7 dám": Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và dám hành động vì lợi ích chung theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công việc, chức trách, nhiệm vụ hằng ngày.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì phiên họp với các đơn vị nhằm rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14). |
* Sáng 6/7, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì phiên họp với các đơn vị nhằm rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14).
Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12/7/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đồng thời là cơ hội để xây dựng và củng cố các mối quan hệ với nghị sĩ các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng hợp tác vì tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, vì ổn định và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN và khu vực.
Việc Việt Nam tham gia Hội nghị AIPA Caucus 14 nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 (Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa XIII), tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt là AIPA.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thẩm định quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: VGP |
* Ngày 6/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thẩm định quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng để cụ thể hóa việc thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, các chiến lược liên quan quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo để bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo quy hoạch phải thu thập, đánh giá đầy đủ hiện trạng của các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh (các trường quân đội, đại học, cao đẳng nghề nghiệp) hiện nay về cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động, chất lượng giảng dạy so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Các quan điểm trong quy hoạch phải bám sát, đáp ứng yêu cầu trong Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, phù hợp điều kiện, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, sự phát triển khoa học-công nghệ...