Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 29/7, đồng chí TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: kinhtetrunguong.vn)
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: kinhtetrunguong.vn)

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, nhất là của Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp có liên quan; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình thể chế hóa cơ chế, chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng.

Đồng chí đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham gia trực tiếp vào các hoạt động để xây dựng Đề án bảo đảm chất lượng cao. Những nội dung mà các đại biểu đề cập sẽ được Tổ Biên tập tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo đề án.

* Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và chào mừng 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2022), sáng 29/7, đồng chí NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu Đoàn công tác đến thăm, tặng ba căn nhà tình nghĩa, tình thương (trị giá mỗi căn 70 triệu đồng) và 200 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu ý kiến tại buổi trao quà, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chăm lo với nhiều chính sách cụ thể đối với người có công, các hộ dân ở các vùng căn cứ cách mạng và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cùng cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã có rất nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh, biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho tốt hơn nữa đối với người có công, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; bày tỏ mong muốn các gia đình chính sách, người dân trên địa bàn tiếp tục đóng góp công sức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

* Sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng LÊ VĂN THÀNH, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, do đó sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ rất khó khăn. Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2022. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ có yêu cầu về tiến độ, mà “phải hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất”.

Về nội dung, Phó Thủ tướng nêu một số yêu cầu trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Đó là phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trong quản lý đất đai, bao gồm phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Phó Thủ tướng đề nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan sớm tổ chức thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành song song các thủ tục cần thiết để bảo đảm tiến độ trình dự thảo luật; khi tổng kết cần phân tích rõ các tồn tại hạn chế và tìm giải pháp khắc phục. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo...

* Chiều 29/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sở giao dịch 1 tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba. Phó Chủ tịch nước VÕ THỊ ÁNH XUÂN, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương dự.

Ngày 28/3/1991, Sở giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (tiền thân của Chi nhánh Sở giao dịch 1) được thành lập với sứ mệnh là đơn vị đầu tiên của hệ thống triển khai thử nghiệm hoạt động ngân hàng thương mại. Suốt chặng đường hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 1 luôn luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của hệ thống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ nhiệm vụ ban đầu là đơn vị kinh doanh trực tiếp của Trụ sở chính, Chi nhánh Sở giao dịch 1 nay đã trở thành đơn vị kinh doanh dẫn đầu trong hệ thống BIDV, góp phần khẳng định vai trò, vị thế, thương hiệu hàng đầu của BIDV trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Độc lập hạng ba tặng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sở giao dịch 1 vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

* Ngày 29/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG chủ trì buổi tọa đàm lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đóng góp như, thời gian qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nhận các tài liệu phục vụ kỳ họp, dự thảo luật rất chậm nên thời gian nghiên cứu tài liệu, góp ý chưa thật sự chất lượng và hiệu quả. Các tài liệu thẩm tra gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội để làm báo cáo thẩm tra thường gấp, đại biểu không có thời gian đọc, xem xét, thảo luận, trong khi quy định phải gửi cho Quốc hội trước 30 ngày. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội khắc phục hạn chế này, làm sao để đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu phục vụ kỳ họp sớm và chủ động hơn; qua đó, giúp Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, đại biểu Quốc hội có sự đầu tư, nâng chất lượng góp ý, xây dựng, giúp Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật...

Kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia dành cho tọa đàm cũng như với nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả kỳ họp Quốc hội; đồng thời, yêu cầu Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.