Tham dự Chương trình có các đồng chí: nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư một số tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và đối tác quan trọng của Ban.
Ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhắc lại, cách đây 70 năm, ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Đảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các chủ trương, chính sách, đề án lớn của Đảng về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Sự ra đời của Ban Kinh tế Trung ương lúc bấy giờ chính là bước phát triển mới của Cách mạng Việt Nam trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược song song, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí nhấn mạnh những mốc son quan trọng trong chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Ban, tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động qua các thời kỳ, khẳng định vị thế trong giai đoạn hiện nay của Ban Kinh tế Trung ương. 70 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó có những chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Với những thành tích đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ là những lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu ghi nhận những thành tựu Ban Kinh tế Trung ương đạt được trong chặng đường 70 năm qua và khẳng định, dù qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, song Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phát triển đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu, hoàn thành một số lượng lớn các đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 15 nghị quyết, kết luận về những vấn đề kinh tế, xã hội có tầm quan trọng chiến lược. Trong đó, một số nghị quyết xác định những chủ trương quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của đất nước, như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước; định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; chủ trương, chính sách tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; chính sách đất đai; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả và khẳng định vị trí, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế, xã hội.
Về phương hướng thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế, xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội. Ban Kinh tế Trung ương phải thật sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác với chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ta; chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, phát hiện, tổng kết các vấn đề mới để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Đội ngũ cán bộ, công chức của Ban cần không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc; nỗ lực nâng cao trình độ lý luận, nắm bắt tri thức mới về kinh tế - xã hội, nêu cao trách nhiệm, liên tục đổi mới sáng tạo, trau dồi kỹ năng, tác phong làm việc khoa học và chuyên nghiệp để tham mưu hiệu quả hơn nữa.