Hoàng Su Phì - miền đất "vỏ cây vàng"

Chiều Lầu Thi là chín tầng thang đá, là "đường lên trời", ở địa phận Tân Lập, điểm cao nhất tới 2.402 m, như thế cũng không kém đỉnh Phan Xi Păng. Sương sớm đang tan dần, thấp thoáng những bản người Dao, người Nùng, người Clao,... nằm cheo leo bên sườn núi, đưa lại cảm giác như đang đi vào một vùng mênh mông, huyền bí, hoang sơ. Tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm và thanh khiết đến lạ lùng. Theo huyền thoại mà đồng bào La Chí kể thì ngày trời đất còn gần nhau, con người sống hòa mình với thiên nhiên. Nhưng rồi trận đại hồng thủy bất ngờ xảy ra, con người, muông thú, cây cối bị vùi dưới bảy tầng đất, chỉ còn một loài cây mầu vàng là sống được. Khi cuộc sống con người hồi sinh, trong rừng duy nhất còn lại cây đó, làm nơi con người trú ngụ. Nhưng có người muốn làm nhà riêng, liền chặt cây vàng ấy đi. Cây đổ xuống, cái gốc còn ở Tả Sử Choóng, và Tả Sử Choóng nghĩa là gốc cây to, bà con lấy gốc cây đặt tên cho làng mình. Thân và cành của cây vàng thì tạo nên một Hoàng Su Phì là vùng núi non, trăm hình vạn dạng. Từ đó, người ta gọi Hoàng Su Phì là miền đất "vỏ cây vàng". Vùng này đất tốt nên có nhiều loại gỗ quý. Rừng Hoàng Su Phì có độ che phủ lớn nhất Hà Giang, ở đây còn loài gỗ ngọc am quý hiếm được xếp vào sách đỏ thế giới. Ngọc am sống sâu dưới lòng đất, chỉ vươn chút ít lá cành. Thân và lá của cây ngọc am giống loài thông đỏ, nhưng gỗ tốt gấp nhiều lần. Cây này có mùi thơm kỳ lạ và rắn chắc đến độ có thể làm mẻ lưỡi cưa. Nếu có một mảnh gỗ ngọc am để trong nhà sẽ xua côn trùng, làm cho không khí trong lành; hoặc tước một lát ngọc am đun nước tắm sẽ có tác dụng giải cảm. Giờ cây ngọc am không còn nhiều, nên đã được khoanh vùng, đánh dấu từng cây và bảo vệ rất kỹ.

Xe lên Cổng trời II. Thông Nguyên hiện ra xanh mát, màu mỡ, đằm thắm. Những đồi chè lượn sóng tít tắp, những hàng thông Mã Vĩ soi bóng xuống dòng suối Ðỏ lúc ẩn lúc hiện. Sông Chảy miệt mài với ghềnh thác, dốc sức cho những thủy điện nhỏ mang lại ánh sáng cho đồng bào. Ruộng mùa này đã thu hoạch xong, những đàn chim di trú trở về mải mê tìm nhặt thóc rơi trong chân rạ. Một vài mảnh ruộng có nước phản chiếu lên trời, óng ánh, lấp lóa. Ai đến đây cũng phải thừa nhận ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có dáng vẻ quyến rũ vẻ đẹp nhất đất nước. Ðó là công trình kiến tạo vĩ đại của thiên nhiên và con người miền núi. Những nấc thang lên trời, những cung bậc tình yêu cũng từ ruộng rẫy này mà ra. Ðang miên man trong suy tưởng, tôi chợt nghe tiếng máy nặng nhọc của đoàn xe tải đi qua. Ðó là đoàn xe chở vật liệu vào Thông Nguyên, từ ngã ba vào trung tâm xã không xa lắm. Với địa thế đẹp, khí hậu mát lạnh, ở Thông Nguyên đang hình thành khu du lịch sinh thái lý tưởng, góp phần hình thành nên tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Quang - Hoàng Su Phì - Sa Pa. Năm 2006, huyện khởi công xây dựng tuyến đường nối Thông Nguyên với huyện lỵ, tạo điều kiện cho du khách đi lại. Thông Nguyên còn có nguồn nước nóng, và có rừng nguyên sinh, với mô hình đặc biệt: mỗi nhà dân là một điểm du lịch hấp dẫn, du khách sẽ được chứng kiến nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt và ẩm thực đậm đà, độc đáo, kỳ lạ...

Tôi đến Hoàng Su Phì gặp đúng ngày có phiên chợ. Ở đây, phiên chủ nhật là đông vui nhất, hàng nghìn, hàng vạn người từ khắp các nẻo đổ về. Lúc này có cả tiếng nói, nụ cười, tiếng khèn réo rắt gọi bạn tình. Chợ có nhiều người Nùng, sắc phục nổi trội trong chợ là mầu chàm, lẫn bóng áo xanh bộ đội xen tà áo trắng của những cô giáo cắm bản. Thật tiếc, khi phiên chợ đang vào lúc rộn ràng nhất thì tôi phải lên đường đi Túng Sán. Túng Sán cách trung tâm huyện hơn 20 cây số đường đất, là quê hương của đồng bào Clao đỏ. Mải mê vượt núi và yên tâm vì đã có một "tay lái xe ôm" cừ khôi. Ðâu đó hương chè đã quyện nồng ấm, thấp thoáng tà áo chàm xuống núi. Tôi biết mình đã đặt chân lên phần cao nhất của đỉnh Tây Côn Lĩnh. Túng Sán nổi tiếng với vùng chè Shan tuyết rộng lớn, có giá trị kinh tế cao. Cả xã hiện có 159,5 ha, trong đó chè chăm sóc là 30 ha, mỗi ha ước tính cho 21 tạ búp. Vụ xuân mỗi ngày xưởng chế biến ở đây chế biến được 5 tấn chè tươi. 20 công nhân làm việc ngày đêm mới giải quyết xong số chè nhân dân trong xã tới bán cho xưởng. Chè Túng Sán đã khẳng định được thương hiệu và đồng bào Clao giàu lên từ cây chè. Nói vậy, nhưng Túng Sán có diện tích chè lớn nhưng hiệu quả khai thác chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, tình trạng còn nhỏ lẻ, chưa phát triển thành vùng chuyên canh.

Trước khi vào Túng Sán, tôi được giới thiệu về sự nghiệp giáo dục của xã với những đặc thù riêng. Thầy giáo Nguyễn Duy Tình, 32 tuổi, người Kinh, quê ở Nam Ðịnh - Phó hiệu trưởng nhà trường Túng Sán, cô giáo Bạch Thị Hoa, dân tộc Clao, 30 tuổi, người địa phương mời chúng tôi ghé thăm cơ ngơi của nhà trường, đó là khu nhà hai tầng chênh vênh trên một quả đồi thấp. Trường có bảy lớp học, từ lớp 1 đến lớp 6, với hơn 500 em và một lớp 7 có 27 học sinh. Cơ sở bán trú được xây dựng từ tháng 10-2004. Phần lớn học sinh là con em đồng bào các dân tộc ở địa phương, nhiều em chưa thạo tiếng phổ thông, nên việc truyền bá tri thức còn gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra với các thầy giáo, cô giáo là phải tự học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để có thể truyền thụ kiến thức cho các em một cách tốt nhất. Như vậy, sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc trước mắt cũng như về lâu dài, còn là một thử thách có phần gian truân.

Tâm sự ấy theo tôi lên Ðồn Biên phòng Thàng Tín. Ðường lên Thàng Tín quả là nhọc nhằn, vất vả và nguy hiểm. Mấy anh em chúng tôi đi bằng xe máy, nhưng tốc độ chỉ nhanh hơn đi bộ một chút. Một bên là vực thẳm, một bên là vách núi dựng đứng, lòng đường chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua. Ði trên đường này, xe máy phải bỏ gương, nếu không sẽ quệt vào vách núi. Xuất phát từ lúc mặt trời đứng bóng mà đến Ðồn Biên phòng Thàng Tín đã nhọ mặt người. Ai cũng bụi đất đầy mình, nhưng lại vui vì được chứng kiến không khí náo nhiệt và vui hơn Tết của ngày đóng điện cầu dao điện lưới. Vậy là giữa màn đêm bao la của núi rừng, đã có những quầng sáng mang theo mơ ước của ngày xưa. Ðồn Biên phòng Thàng Tín phụ trách ba xã: Thàng Tín, Pố Lồ và Thèn Chu Phìn, với 19,5 cây số đường biên. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia vào tất cả các hoạt động của xã, từ giữ gìn an ninh trật tự của xóm bản đến giúp đỡ nhân dân cày cấy, lợp nhà, dạy các cháu học chữ. Tôi theo anh Trung Tuyến đến nhà ông Lù Quáng Tinh để giúp lắp đặt máy thu hình mới được nối với "ăng-ten chảo". Khi chưa có điện lưới, máy thu hình nhà ông Tinh dùng điện từ thủy điện nhỏ, cũng phập phù. Có điện lưới, ông mua cái "ăng-ten chảo" để xem được nhiều kênh. Ông còn đi cửa khẩu mua thêm đầu vi-đê-ô nữa. Ngày có điện, nhà nào trong bản cũng sắm thêm một hai thiết bị điện tử mới. Dường như không phải đồng bào còn nghèo, mà lý do là chưa có đường và điện thuận lợi. Mà nhìn thì biết, nhà nào cũng thóc gạo chật gác, bò lợn đầy chuồng...

Ðêm Thàng Tín nghe mênh mang gió, ì ầm mạch nguồn sông suối về xuôi thấy cuộc sống đang chuyển mình theo dòng điện mới về. Chiến sĩ trẻ Vàng Mí Gió quê ở Yên Minh lặng lẽ xuống bếp ngồi thổi kèn lá. Tiếng kèn theo nhịp bước, lay động từng gốc cây, thủ thỉ quanh bếp lửa gọi bạn tâm tình. Hôm nay không phải trực đêm nên Gió ở nhà thổi kèn lá để đỡ nhớ người yêu ở Ngam La. Gió thổi kèn lá điệu nghệ và có hồn lắm. Ai đã nghe tiếng kèn ấy rồi cũng muốn Gió dạy thổi kèn lá để có thể trò chuyện với con gái bản. Mí Gió dạy mọi người thổi, nhưng lại nhắc nhở phải thật sự yêu đất, yêu người vùng cao thì thổi cái lá mới nồng nàn, mới vang xa. Chẳng thế mà anh Trần Mạnh Quân - Ðồn phó Ðồn Biên phòng Thàng Tín, đã gắn bó với Hoàng Su Phì cả chục năm trời trong điều kiện gia đình khó khăn: nhà chỉ có bố mẹ và con nhỏ, vợ thì phải tự bươn trải lo liệu gia đình. Anh Quân vẫn vui với cuộc sống cùng đồng bào, từng ngày từng giờ giúp cho quê hương miền tây bình yên và phát triển.

Trở về huyện với thật nhiều niềm vui và kỷ niệm, mấy ngày qua trong tôi là nghĩa tình và quá nặng lòng. Mai xa huyện, xa bạn bè và đồng nghiệp. Vâng! Chỉ hơn 100 cây số từ thị xã Hà Giang vào đây, nhưng dứt được công việc để đi cũng chẳng dễ. Tôi đắm mình trong tiếng dào dạt của suối Ngam Lim. Tiếng thông reo vi vút trong đêm, nghe mơ hồ như tiếng mưa rừng xa xăm. Bao núi đồi, sông, suối những ngày tôi qua đều lắng lại trong hồn như máu thịt. Hoàng Su Phì yêu thương và tình nghĩa. Nơi đây, tôi đã được tôn vinh làm bố mẹ nuôi theo phong tục của đồng bào dân tộc Dao. Vì quá bất ngờ nên tôi bối rối, xúc động, không nói nên lời. Có lẽ trong cuộc đời đi và viết của mình, chỉ duy nhất lần này tôi có cái may mắn ấy. Trong ngôi nhà rộng của ông Giàng Sín Tờ với lời cúng linh thiêng, một buổi chiều đầu đông tôi đã trịnh trọng làm một công việc là buộc chỉ cổ tay cho người con nuôi của mình cùng chén rượu ấm nồng, được nghe đồng bào chúc phúc, cầu mong mọi sự tốt lành. Vâng, phúc phận ấy tôi đã hưởng và biết rằng, từ nay về sau mình có thêm một trọng trách mới...

Tôi nhớ lại lúc gặp Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì Nguyễn Văn Mão, anh nói: "Hoàng Su Phì bây giờ không thua kém bất kỳ huyện nào, thậm chí còn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, nhờ có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách mạnh mẽ. Ðến nay chưa đâu trồng được đậu tương vụ ba, nhưng Hoàng Su Phì đã có bước đột phá khi trồng thử nghiệm thành công vụ ba đậu tương ở Thông Nguyên. Ðộ tháng 10 dương lịch, khi đã thu hoạch lúa xong sẽ "húng" hạt đậu trên chân ruộng, không cần cày bừa hay làm cỏ, rồi cắt rạ ủ lên giữ ẩm cho hạt giống, sau hơn hai tháng sẽ có vụ ba đậu tương năng suất khá cao. Thành công này mở ra hướng phát triển hàng hóa mới và làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào. Cùng với đậu tương, Hoàng Su Phì còn phát triển các nông sản như bí xanh, bí ngô, rau cải, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc,... bước đầu đem lại thu nhập khá cao. Hướng phát triển của huyện là sẽ thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường rộng lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... dần hình thành vùng chuyên canh rau sạch. Dẫu sao Hoàng Su Phì vẫn là huyện nghèo. Ðể giảm tỷ lệ đói nghèo xuống dưới 30% vào năm 2015, quả là một cuộc chạy đua với thời gian". Và tôi đã đọc được niềm lo toan ấy trong ánh mắt của các đồng chí lãnh đạo huyện.

Trong đoàn chúng tôi đến Hoàng Su Phì lần này có nhà thơ Hoàng Ðịnh, hơn 50 năm ông mới trở lại vùng đất yêu thương và nhiều kỷ niệm. Ði đến đoạn nào, ông cũng miên man kể ngày trước còn hoang sơ, lau lách, và tăm tối ra sao. Ông nhớ đến đâu thì nghỉ uống nước, đến đâu nghỉ ăn cơm, đến tối nghỉ nhờ nhà dân nào. Còn đây là nơi thực dân Pháp phục kích giết hại bộ đội và dân công... Tôi thấy nét mặt ông xa xăm rồi lại rạng ngời trước sự thay đổi nhanh chóng của miền tây. Không chỉ riêng ông, chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó. Nghĩ chưa kịp hết những nơi mình đi qua, những địa danh đã đến trong chuyến công tác không định trước, tôi nghe bước chân thập thịch của đồng bào đi chợ sớm. Nhìn ra, ánh điện nhấp nháy trên cột ăng-ten của trung tâm bưu điện huyện cũng vừa tắt. Trời sáng dần... Ðêm Hoàng Su Phì qua nhanh. Tôi tạm biệt miền đất "vỏ cây vàng" với nghĩa tình mênh mang của bạn bè, của ngàn thông từ phía Tây Côn Lĩnh đang dâng lên, nổi cồn như sóng biển...

CAO XUÂN THÁI