Triển lãm “Mỹ thuật Lê Bá Đảng” vừa khai mạc chiều nay 9-10 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là triển lãm thứ hai của ông tại Hà Nội. 35 tác phẩm hội hoạ và điêu khắc, sắp đặt và một số hình ảnh trên nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, màu nước, gỗ, tranh đắp giấy, và cả những tác phẩm làm từ xác máy bay, được coi là tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông được giới thiệu với công chúng Hà Nội. Vậy nhưng, khi hỏi ông vì sao chọn những tác phẩm này, rất nhiều tác phẩm cùng tên và cùng trong một năm sáng tác, ông cũng chỉ cười thật sảng khoái: “Hỏi thế thì tôi chịu, tôi chỉ biết là thích mang treo cái này thì tôi mang thôi”.
Bốn bức sơn dầu “Ngựa Thánh Gióng” (1973), ba tác phẩm điêu khắc “Có có không không” (1995), ba bức acrylic “Đường mòn Hồ Chí Minh”, hai bức sơn dầu “Đêm Trường Sơn”, ba bức “Thiền xanh”… và nhiều “Không gian Lê Bá Đảng” khiến người xem tò mò ngạc nhiên. Nhưng không nói gì về mình cũng như những tác phẩm của mình, đến nỗi nhà văn Tô Nhuận Vỹ phải nói hộ. Ông thường vậy, đang vẽ một cái gì đó, là ông vẽ liền có khi hàng chục bức cũng về một thứ đó, với đủ loại kích cỡ, hình thù… với một niềm say mê dường như là bất tận.
Lê Bá Đảng, một họa sĩ có tới hơn 70 năm sống ở nước ngoài, nhưng tất cả những gì ông sáng tác, đều gắn liền với Việt Nam. Từ Thánh Gióng huyền thoại đến Trường Sơn hùng vĩ, từ hạt gạo quả cau đến bàn chân giao chỉ… Nhưng tất cả trong ông, một Việt Nam mang tinh thần “thượng viện” (chữ dùng của nhà văn Tô Nhuận Vỹ), rất sang trọng, hào hoa, sâu thẳm và mạnh mẽ. Cái tinh thần đó làm nên sự cuốn hút trong những tác phẩm của ông, mà như ông tự nhận, “không thể giống ai hết”.
Một số tác phẩm tại triển lãm “Mỹ thuật Lê Bá Đảng” tại Hà Nội.
Nếu hỏi ông rằng, có ai đó ảnh hưởng đến sáng tác của ông không, thì ông nói, nếu có, thì đó là văn hóa Việt Nam.
Phá vỡ mọi hình thức, không bó buộc mình trong một thể loại nào, đề tài nào, chất liệu nào, đó là phong cách Lê Bá Đảng. Từ một cái xác máy bay, khi nhiều năm trở về quê hương, trong chiến tranh, ông biến nó thành hàng chục tác phẩm. Chưa nói về mỹ thuật, chỉ là cái cách ông biến một cái xác máy bay thành những tác phẩm sang trọng, đẹp đẽ, khoáng đạt… cũng là một sự thể hiện tinh thần “thượng viện” của một nghệ sĩ từng được nhận giải thưởng “có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”.
“Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng” – những sắp đặt của ông từng được trưng bày và trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật du lịch nổi tiếng của Pháp, tại vùng Beaux de Provence. Với rất nhiều giải thưởng của quốc tế trao tặng, nhưng ông “chẳng nhớ gì mấy”, chỉ nhớ và xúc động vì “Ngày Lê Bá Đảng” tại vùng New Orlean.
Kể từ năm 1992, sau hơn nửa thế kỷ xa quê hương, ông trở về lần đầu tiên và tổ chức triển lãm của mình tại nơi ông ra đời: làng Bích La Đông, Triệu Phong (Quảng Trị), cho đến nay, ông đã đều đặn triển lãm tác phẩm của mình tại Huế, tại Hà Nội (1998) và lần này nhân dịp kỷ niệm giải phóng thủ đô.
Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng ở Huế từ năm 2006 đến nay đã trở thành một nơi trang trọng và đặc sắc dành cho nghệ thuật bên bờ sông Hương. Nhưng ông còn mơ ước, sẽ làm một bức tranh dài bằng nước Việt, trên đó, những con đường nối giữa tỉnh này với tỉnh khác sẽ là một con đường nghệ thuật thật đẹp. Ông cũng ấp ủ về một “bức tranh” mà dưới mặt nước sẽ là nơi trưng bày những tác phẩm của ông, và trên mặt nước, người thưởng ngoạn sẽ di chuyển bằng những chiếc thuyền mà đáy làm bằng kính…
Nghe nói, thành phố Huế đã giành cho ông 20 héc ta của một khu đất có đủ cây xanh và hồ nước… để ông thoả chí với những không gian nghệ thuật của mình. Nhưng nói gì ư, ông không nói gì cả, chỉ bảo, đồng bào hãy đến mà xem, nghệ thuật là cái đẹp, là sự sang trọng, và tôi chỉ mong muốn làm cho cả nước mình đẹp lên như thế.
Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại Quảng Trị, sang Pháp từ năm 1939. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Toulouse – Pháp, trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Năm 1989 nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”. Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambrige của Anh đưa vào danh mục những hoạ sĩ nổi tiếng thế giới. Đã có nhiều cuộc triển lãm trên thế giới, được giới phê bình đánh giá là hoạ sĩ bậc thầy của hai thế giới Đông- Tây. Năm 2005, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo Điện tử Vietnamnet tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt”. |