Ông Nguyễn Nguyên Trà, Trưởng phòng Hạ tầng, Môi trường và Công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội):

Hoa phượng nằm trong danh mục cây được khuyến khích trồng ở đô thị

NDO -

NDĐT - Những ngày gần đây, TP Hà Nội tiến hành trồng khoảng 300 cây hoa phượng tại dải phân cách tuyến đường vành đai 1 (Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa), Láng Hạ, Tây Sơn... Nhiều người lo ngại rằng, việc trồng cây với mật độ dày đặc như vậy trên dải đất hẹp sẽ không bảo đảm cây sinh trưởng tốt. Mặt khác, cây phượng khi trưởng thành có tán lá rộng sẽ gây ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông trên đường.

Hàng cây phượng mới được trồng trên tuyến đường Ô Chợ Dừa. (Ảnh: Lê Hiếu)
Hàng cây phượng mới được trồng trên tuyến đường Ô Chợ Dừa. (Ảnh: Lê Hiếu)

Ngày 6-7, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Nguyên Trà, Trưởng phòng Hạ tầng, Môi trường và Công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) để làm rõ thông tin về sự việc này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- Xin ông cho biết, những căn cứ để thành phố lựa chọn trồng cây hoa phượng trên các tuyến phố mới ở Thủ đô?

Hoa phượng nằm trong danh mục cây được khuyến khích trồng ở đô thị ảnh 1

Ông Nguyễn Nguyên Trà: Theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 18-3-2014 tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND, cây trồng trong đô thị phải đáp ứng các tiêu chí sau: cây thân gỗ, sống lâu năm, có độ tăng trưởng trung bình, khi nhỏ sinh trưởng nhanh; có sức sống cao chịu được các tác động bất lợi của đô thị; tán đẹp và có hình khối rõ ràng; có hoa và hương thơm; ít sâu bệnh hại, không là ký chủ trung gian cho các loại bệnh hại người hay gia súc, chịu cắt tỉa. Cây phải dẻo dai, ít bị đổ, gẫy khi có gió, bão; bộ rễ và cành không phá hoại các công trình kỹ thuật hạ tầng như: cấp nước, cấp điện, thoát nước thải và hệ thống kỹ thuật khác. Hoa, quả, nhựa lá cây không gây ô nhiễm, độc hại và cản trở giao thông, có khả năng chống bụi, chống ồn. Cụ thể các loại cây: phượng, bằng lăng, muồng hoàng yến được đưa vào danh mục “cây có hoa đẹp” và khuyến khích trồng trong đô thị, bao gồm công viên, vườn hoa và đường phố.

Đối với các đường phố mới, chưa có cây xanh hoặc cây còn non chưa trưởng thành, thành phố chủ trương tiến hành việc trồng thêm các cây xanh. Áp dụng trồng một loại cây trên một đường phố, nhất là cây có hoa sặc sỡ như phượng, bằng lăng, vàng anh… để tạo nên các tuyến phố có đặc trưng riêng. Kết hợp cây xanh bóng mát với các thảm cỏ trang trí và tăng khả năng thấm thoát nước mưa.

Về đặc tính sinh học của cây phượng, đây là cây đáp ứng các tiêu chí được đưa ra. Cây nở hoa đẹp từ khoảng tháng 5 đến tháng 7. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, phù hợp điều kiện thời tiết khí hậu của Hà Nội. Tại Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng vào cuối thế kỷ 19 tại các thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Tại Hà Nội, người Pháp đã trồng phượng vĩ trên các dải phân cách giữa của một số tuyến đường như: Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Tri Phương…

Như vậy, có thể khẳng định, việc lựa chọn trồng bổ sung cây hoa phượng trên các tuyến đường mới là phù hợp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội, nằm trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh nhằm tăng cường chất lượng môi trường Thủ đô.

- Việc trồng cây hoa phượng, một loại cây lâu năm, với mật độ khá dày đặc trên dải phân cách hẹp có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây và an toàn giao thông không, thưa ông?

Ông Nguyễn Nguyên Trà: Việc trồng bóng mát ở dải phân cách giữa hai làn đường khá thuận lợi vì tại đây ít có công trình ngầm. Không gian ngầm để bộ rễ phát triển thực chất không nhỏ, vì tuy hẹp về chiều ngang, nhưng chiều dọc lại khá lớn, do đó cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường.

Tại Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề ra giải pháp trồng các cây “bon-sai tầm trung” tại những khu vực hạn chế về không gian ngầm. Những kỹ thuật chính để tạo cây bon-sai là hãm sinh trưởng, tạo rễ, tạo gốc, uốn thân, tạo tán… nhưng vẫn bảo đảm cây tươi tốt, khỏe mạnh.

Đầu năm nay, thành phố đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại cho phép cắt tỉa cây bảo đảm mỹ thuật. Cây phượng nếu được cắt tỉa theo kỹ thuật này sẽ rất đẹp, có tán tròn, hạn chế sâu bệnh, gẫy đổ. Đây là một giải pháp rất mới, đang được nghiên cứu, thử nghiệm, tiến đến nhân rộng tạo ra những cây bon-sai cao tầm khoảng bốn đến tám m từ những loài cây đường phố hiện nay như nhội, muồng, phượng, me, sanh, đa, đề, lộc vừng... Hằng năm, chúng ta sẽ mất công chăm sóc, cắt tỉa, nhưng những cây này có giá trị lớn, cảnh quan đẹp, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng, đường điện, nhà cửa.

- Ngoài cây hoa phượng, chúng ta nên trồng những loại cây đô thị gì để vừa bảo đảm tạo bóng mát, cảnh quan đẹp, mà vẫn an toàn cho người đi đường?

Ông Nguyễn Nguyên Trà: Tại Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đưa ra danh mục các loại cây khuyến nghị trồng tại Hà Nội, trong đó một số loại cây được trồng nhiều như: sấu, lát hoa, ban, lộc vừng, long não, sao đen, bằng lăng, chẹo, giáng hương, hoàng lan, ngọc lan, muồng hoàng yến, muồng nhạt, nhội, sếu (cơm nguội), thàn mát (sưa), vàng anh.

Thời gian vừa qua, Sở Xây dựng đã đề xuất và được UBND TP Hà Nội chấp thuận bổ sung vào danh sách các cây trồng trong đô thị, bao gồm các loại cây: bàng lá nhỏ (bàng Đài Loan), cây sang và cây dầu rái. Toàn bộ các cây kể trên đều vừa bảo đảm tạo bóng mát, cảnh quan đẹp, mà vẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường.

- Xin cảm ơn ông.