Hóa giải sức ép tỷ giá

Trong bối cảnh đồng USD đang tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, tạo nhiều áp lực đến tỷ giá trong nước, không chỉ cơ quan điều hành mà bản thân các doanh nghiệp cũng phải xoay xở tìm cách hóa giải sức ép này. Trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất điều hành lần thứ hai, trước đó là chủ động nới biên độ tỷ giá giao ngay, nhằm tạo sự linh hoạt hơn cho thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Tân Thành Long (Hà Nội) chuyên sản xuất gỗ tự nhiên, ván công nghiệp với nguyên liệu phần lớn nhập từ nước ngoài.
Công ty Tân Thành Long (Hà Nội) chuyên sản xuất gỗ tự nhiên, ván công nghiệp với nguyên liệu phần lớn nhập từ nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể từ ngày 17/10 đã chính thức điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ± 3% lên ± 5%. Quyết định diễn ra sau bảy năm nhà điều hành điều chỉnh biên độ tỷ giá từ ±2% lên ±3% vào tháng 8/2015.

Động thái này nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

Giá USD "neo" kịch trần

Sau khi có quyết định nâng biên độ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng liên tiếp có những phiên điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá trung tâm, đồng thời nâng giá bán USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên thị trường, các ngân hàng thương mại cũng có những ngày tăng mạnh, chạm mức cao kịch trần biên độ cho phép. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, câu chuyện tỷ giá của Việt Nam chỉ trong một tháng đã diễn biến rất nhanh và hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, từ đầu tháng 10/2022 đến nay, tiền đồng đã mất giá 4,1% so cuối tháng 9, gần bằng mức mất giá trong suốt chín tháng đầu năm. Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng mạnh song hành với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục nâng tỷ giá trung tâm, nới biên độ tỷ giá và tăng giá bán USD cho các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã có bước điều chỉnh nhanh và mạnh trong tháng 10, tăng 1,3% so với cuối tháng 9, cao hơn mức điều chỉnh 1,1% trong suốt chín tháng đầu năm. Trong tháng 10, giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng ba lần với tổng mức tăng là 1.170 đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 8,8% trên thị trường chính thức, diễn biến đang có xu hướng rơi vào kịch bản mà VDSC kỳ vọng là mức mất giá 10% cho cả năm 2022.

Cũng theo VDSC, việc tỷ giá USD/VND tăng vọt đã khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản vào ngày 24/10 nhằm kìm hãm đà tăng của tỷ giá. Theo đó, mức lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn hiện đang lần lượt là 4,5%/năm và 6,0%/năm.

Chênh lệch lãi suất cho vay qua đêm giữa tiền USD và tiền VND hiện đang ở mức 300 điểm cơ bản. ''Biến động mạnh của tỷ giá trong một thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý găm giữ đồng USD. Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, chúng tôi không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá từ 10% đến 15% trong năm 2022'', các chuyên gia phân tích từ VDSC nhận định.

Chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Như vậy, việc tỷ giá tăng mạnh chắc chắn tác động nhiều chiều đến tình hình kinh tế trong nước, đồng thời cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tâm lý doanh nghiệp, người dân. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (Vĩnh Phúc) Vũ Văn Hòa chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cung cấp cho thị trường trong nước, nhiều năm qua, công ty thường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Thế nhưng hai năm trở lại đây, nhất là từ đầu năm tới nay, do giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng cho nên đơn vị phải chịu tác động kép. Chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Tương tự, Công ty Tân Thành Long (Hà Nội) chuyên sản xuất mặt hàng gỗ tự nhiên, ván công nghiệp, cũng gặp không ít khó khăn bởi sự tăng giá của đồng USD. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Thị Vân, do chủ yếu nhập hàng từ Mỹ và châu Âu cho nên việc tỷ giá chênh lệch đã tác động tương đối tới doanh nghiệp, khiến chi phí "đội" lên khoảng 10%.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hà Nội) Nguyễn Duy Hồng cũng chia sẻ, tỷ giá tăng thì đối với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, nhưng với điều kiện nguyên liệu sản xuất phải là từ trong nước. Còn với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu, thì tỷ giá tăng cũng gây không ít áp lực.

Theo Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng, tỷ giá tăng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng cho biết, về nguyên tắc, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính sách tỷ giá vừa qua được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành mềm dẻo, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hỗ trợ tích cực cho chính sách lãi suất hiện nay.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán SSI, dù các yếu tố cơ bản trong nước ghi nhận tích cực, nhưng trên thực tế, xu hướng găm giữ USD đã tăng đáng kể trong bối cảnh tiền đồng không đứng ngoài xu hướng mất giá đang lan rộng khắp châu Á. "Trạng thái tâm lý này sẽ tiếp tục tạo áp lực tỷ giá trong khi các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khó có thể tác động lớn như trước", SSI nhận định.

Theo các chuyên gia, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực khi tâm lý gom giữ USD vẫn ở mức cao. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần biên độ mới 5% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.870 đồng/USD (tính đến ngày 26/10), tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định, việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh.

Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết. Ngoài ra, để hạn chế phần nào những thiệt hại do tỷ giá gây ra, bên cạnh các giải pháp điều hành của cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ứng phó trước như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá; hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả; định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường;...

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.