Thực hiện Quyết định số 289 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ một phần xăng, dầu cho ngư dân, theo tính toán của ngành chức năng Bạc Liêu, từ nay đến năm 2010, ngư dân trong tỉnh sẽ được hỗ trợ gần 22,5 tỷ đồng. Riêng năm 2008, số tiền hỗ trợ mua dầu là 15 tỷ 139 triệu đồng, mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên hơn 1 tỷ 825 triệu đồng; hỗ trợ mua mới, đóng mới, thay máy mới hơn 5 tỷ 322 triệu đồng...
Ðến cuối tháng 7-2008, tỉnh đã nhận tạm ứng từ Bộ Tài chính hơn 14 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, từ thực tế ở Bạc Liêu cho thấy việc hỗ trợ ngư dân đang gặp những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi các cấp, các ngành của trung ương và địa phương quan tâm giải quyết...
Theo Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, sở dĩ Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính ban hành gần bốn tháng nay, nhưng địa phương còn lúng túng, bởi nếu thực hiện theo những quy định như trước đây, thì chẳng có mấy chủ phương tiện được hỗ trợ theo Quyết định 289.
Cụ thể như việc quy định có sổ nhật ký đánh bắt thủy sản mới được hỗ trợ, trong khi Bạc Liêu từ trước đến nay vẫn chưa tổ chức làm sổ nhật ký này cho ngư dân. Mặt khác, việc mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, quy định thuyền viên phải có hợp đồng lao động tối thiểu từ một năm trở lên. Song, thực tế, thuyền viên đều không có hợp đồng lao động (vì lao động theo mùa vụ).
Ðối với những lao động trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá, họ cũng chỉ làm và được trả lương bằng hình thức công nhật, chứ không có hợp đồng lao động. Ngoài những quy định trên, còn có nhiều quy định phức tạp khác như: giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép kinh doanh, công suất máy, đóng mới tàu... Chính những quy định bất hợp lý này mà nhiều ngư dân ở nhiều địa phương đến nay vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để được nhận hỗ trợ.
Tại Ðông Hải, một huyện thế mạnh kinh tế chủ yếu là nghề đánh bắt thủy sản, đã hơn ba tháng triển khai thực hiện, nhưng toàn huyện chỉ mới lập thủ tục cho hơn 200/450 phương tiện...
Ðáng mừng là mới đây, qua cuộc họp giao ban trực tuyến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hỗ trợ một phần chi phí xăng, dầu cho ngư dân. Trong đó, có một số quy định mới giúp các tỉnh, thành phố khắc phục những khó khăn bằng những giải pháp cụ thể như: tăng cường công tác đăng ký, đăng ký và cấp giấy phép để đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ; công nhận hợp đồng lao động giữa chủ tàu và thuyền viên, kể cả hợp đồng theo thời vụ... Có thể nhận thấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân được hỗ trợ từ Quyết định số 289 của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là việc triển khai được các ngành, địa phương thực hiện như thế nào để ngư dân sớm nhận được hỗ trợ và tiếp tục an tâm phát triển sản xuất. Mặc dù những vướng mắc về thủ tục đã được giải quyết, nhưng thông qua việc triển khai thực hiện Quyết định số 289 lần này, phần nào phản ánh và báo động về tình trạng xem thường tính mạng, tài sản của các chủ phương tiện. Ðiển hình là việc không tiến hành đăng ký, đăng kiểm và xem nhẹ quyền lợi của người lao động.
Bên cạnh đó, còn bộc lộ những yếu kém trong quản lý khai thác và cần ngay những giải pháp để chấn chỉnh, cụ thể như việc lập nhật ký đánh bắt thủy sản để ngành quản lý dễ kiểm soát, cũng như thông báo khi xuất hiện thiên tai, cứu nạn, cứu hộ khi có bão...
Theo một số cán bộ lãnh đạo các huyện ven biển và nhiều ngư dân của tỉnh, việc lập thủ tục hỗ trợ cho ngư dân vẫn còn vướng, khi phần đông các chủ phương tiện đều sử dụng giấy đăng ký tàu cá để thế chấp ngân hàng, muốn lấy giấy ra làm thủ tục phải trả hết nợ. Vì vậy, nhiều chủ phương tiện đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ...
Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh Bạc Liêu cần có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn giải quyết cho các chủ phương tiện xin bản sao giấy đăng ký để bổ sung hồ sơ và sớm được hưởng hỗ trợ từ Quyết định 289. Mặt khác, cán bộ, nhân viên ngành tài chính, nông nghiệp... của tỉnh và các huyện cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không gây quá nhiều phiền hà, sách nhiễu đối với ngư dân - đối tượng đang gặp rất nhiều khó khăn, điêu đứng do giá xăng, dầu và các khoản chi phí cho đánh bắt thủy sản tăng cao, nhiều tàu của ngư dân đang phải nằm bờ vì đánh bắt bị thua lỗ...