Hỗ trợ tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng

NDO -

Hiện nay đang vào mùa thu hoạch nhãn và nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng. Tuy nhiên những diễn biến phức tạp dịch Covid-19 khiến đầu ra nhiều loại nông sản trong đó có trái nhãn của hai địa phương này gặp nhiều khó khăn.

Đầu ra của nhãn và nhiều sản phẩm OCOP gặp khó do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Đầu ra của nhãn và nhiều sản phẩm OCOP gặp khó do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Để giải quyết những khó khăn đó ngày 29/7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng năm 2021” tại ba điểm cầu chính là Hà Nội, Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Nhiều nông sản gặp khó trong tiêu thụ

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Riêng huyện Châu Thành, từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 340 ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến vào khoảng 4.000 tấn.

Còn theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh là 3.130 ha, diện tích đang cho trái là 2.536 ha. Thời gian thu hoạch từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn.

Dịch Covid-19 khiến đầu ra nhiều loại nông sản trong đó có trái nhãn của hai địa phương này gặp nhiều khó khăn. Với sản lượng lớn, đây là một thách thức trong tiêu thụ.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Vừa qua do nằm trong vùng dịch nên HTX rất khó khăn trong tiêu thụ. Tỉnh Đồng Tháp và huyện Châu Thành cũng đã hỗ trợ cho HTX tiêu thụ được một phần cho nông dân. Tuy nhiên, giá bán không được như ý muốn. Hiện, giá thành của hộ trồng nhãn từ 7.000 - 11.000 đồng/kg. Vừa qua, có đơn vị phân phối vào hỗ trợ tiêu thụ và mua với giá dưới 10.000 đồng/kg, hiện giá bán thấp hơn giá thành nên họ chỉ hòa thậm chí lỗ vốn.

Cũng theo ông Lê Văn Hùng, hiện việc thu hái, đóng gói bao bì, vận chuyển lên xe, phía HTX đều phải thuê lao động. Do đó, với giá bán này, HTX chỉ thu hồi đủ vốn. Phía HTX bên cạnh kết nối đầu ra cho sản phẩm nhãn tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu cũng mong muốn có giá tốt hơn.

“Việc kết nối các doanh nghiệp cần giới thiệu các doanh nghiệp chân chính, chứ có những doanh nghiệp chỉ nói nhưng chưa làm được”, ông Hùng nói.

Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng -0

Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng năm 2021 tại điểm cầu Sóc Trăng. 

Đưa nông sản và nhãn lên sàn thương mại điện tử

Về vấn đề này, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho hay: Cục đã có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản trên các sàn thương mại điện tử như: như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada,… và hỗ trợ phát trực tiếp cho bà con để hỗ trợ hàng Việt Nam tiêu thụ nhanh hơn.

Hiện, trên các sàn thương mại điện tử có hai hình thức tiêu thụ gồm: người tiêu dùng mua trực tiếp từ các sàn thương mại điện tử; HTX, nông dân, doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức phân phối trên sàn thương mại điện tử. Cục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp thương mại điện tử hỗ trợ, tài trợ đào tạo để đưa cách phân phối này tới sâu hơn với bà con.

Liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, đại diện PostMart Sóc Trăng- cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị này đã hỗ trợ nhà cung cấp đưa lên sàn 75 sản phẩm, trong đó có 65 sản phẩm OCOP là các sản phẩm đặc trưng như: lạp sườn, bánh pía… và trong đó tháng 7 và tháng 8 này có nhãn xuồng Vĩnh Châu. “Chỉ trong 10 ngày gần đây, khi đưa sản phẩm nhãn xuồng Vĩnh Châu lên sàn thương mại điện tử, đã tiêu thụ được hơn 200kg thông qua sàn thương mại online và tiêu thụ được 1,2 tấn thông qua các điểm giao dịch của bưu điện và giao hàng tại nhà với các khách hàng muốn mua với số lượng lớn”, đại diện PostMart Sóc Trăng cho biết.

Thủ tục tham gia sàn thương mại điện tử PostMart rất đơn giản, chỉ cần giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận OCOP đối với nhà cung cấp nếu có… Trong và sau thời gian dịch bệnh, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục là điểm hỗ trợ các nhà sản trong việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, không chỉ là sản phẩm OCOP mà còn là các sản phẩm nông nghiệp khác.

Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - đánh giá, trong thời gian dịch bệnh, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT là hướng đi đúng, giúp đưa sản phẩm đến sâu, rộng với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các HTX, hộ nông dân mới làm tốt khâu sản xuất, còn yếu trong khâu kinh doanh. Với sự phát triển của thương mại điện tử, các HTX, hộ kinh doanh cần có những bộ phận marketing để giới thiệu và bán hàng trên trang TMĐT.

Liên quan đến hệ thống siêu thị, hiện các doanh nghiệp phân phối đang hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mùa vụ cho các tỉnh. Bán lẻ qua siêu thị là kênh rất tốt để giúp nhà sản xuất có đầu ra và giá bán ổn định.

Liên quan đến việc nhà sản xuất phản ánh về việc đưa sản phẩm vào kênh siêu thị khó, bà Hậu cho hay, các nhà sản xuất trước khi sản xuất ra sản phẩm cũng cần xác định sản phẩm của mình bán ở kênh nào, phù hợp với kênh nào để có định hướng cho phù hợp.

Thực tế, các hệ thống bán lẻ, siêu thị luôn mong muốn có sự đa dạng hóa trong hàng hóa trên quầy kệ và có sự cạnh tranh nhau về giá cả và chất lượng. Do đó, về phía các nhà sản xuất, ngoài vấn đề bảo đảm chất lượng cần tính toán giá thành sản phẩm cho phù hợp. Riêng đối với sản phẩm nhãn, chúng tôi xếp vào nhóm các sản phẩm nhạy cảm và rất khó. Tuy nhiên, các siêu thị vẫn sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ.

Liên quan đến vấn đề giá thu mua như thế nào để các HTX không bị thiệt thòi. Bà Hậu cho biết, người tiêu dùng rất hay so sánh giá trong siêu thị và giá ngoài thị trường, do đó, phía siêu thị cũng phải cân đối để đặt giá bán trên các quầy kệ của hệ thống siêu thị.

“Ngoài ra, nhãn là mặt hàng nhạy cảm nên việc hao hụt, bảo quản,… phục vụ cho việc bán hàng tốn nhiều chi phí. Nhãn bán được từ sáng đến chiều và hôm sau xuống mã, nhiều khi phải bỏ đi. Nên không có chuyện các siêu thị bán nhãn được 10 đồng mà trả các HTX 3 đồng”, bà Hậu cho biết.

Trong chương trình Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.