Hỗ trợ tiêu thụ đặc sản gừng Kỳ Sơn

NDO -

Đang vào mùa thu hoạch, song giá gừng ở Kỳ Sơn (Nghệ An) giảm sâu, chỉ còn từ 4.000-5.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Huyện Kỳ Sơn đang phối hợp các ngành chức năng, các địa phương để hỗ trợ đồng bào tiêu thụ sản phẩm này.

Người dân Kỳ Sơn thu hoạch gừng nhưng không vui vì khó tiêu thụ và rớt giá.
Người dân Kỳ Sơn thu hoạch gừng nhưng không vui vì khó tiêu thụ và rớt giá.

Sản phẩm gừng ở huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn bắt đầu thu hoạch từ tháng 12 năm trước, nhưng chính vụ thu hoạch từ tháng 3 đến cuối tháng 4 năm sau.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, năm 2021 trên địa bàn trồng 800ha gừng, chủ yếu ở các xã có truyền thống và kinh nghiệm như Na Ngoi, Tây Sơn, Đọoc Mạy, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu và Phà Đánh.

Đây là những địa bàn có thời tiết mát mẻ, mây mù bao phủ. Gừng được trồng ở lưng chừng núi nên phù hợp quá trình sinh trưởng và phát triển, cho năng suất khá cao. Gừng trâu ruột vàng đạt bình quân 28 tấn/ha, gừng dé bình quân 16-18 tấn/ha. Ước tính, vụ gừng 2021-2022, toàn huyện thu hoạch khoảng hơn 5.000 tấn.

Do trồng trên địa bàn ôn đới nên gừng Kỳ Sơn là đặc sản của huyện miền núi này. Gừng Kỳ Sơn có hàm lượng tinh dầu rất cao. Năm 2019 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Từ khi có giấy chứng nhận này, gừng Kỳ Sơn được tiêu thụ khá tốt, với giá bán khá cao, thường giao động từ 25-40 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình bà con người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới rẻo cao nhờ trồng gừng mà vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, vụ gừng năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng giá xăng, dầu tăng đột biến, khiến cước vận chuyển tăng cao, đã ảnh hưởng việc tiêu thụ gừng Kỳ Sơn.

Ông Nguyễn Văn Luân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, đơn vị chuyên thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu gừng Kỳ Sơn, chia sẻ, gừng mất giá thảm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là giá xăng tăng, giá cước vận tải tăng cao nên doanh nghiệp không mặn mà thu mua để xuất khẩu. Trong khi đó, gừng Kỳ Sơn khó tiêu thụ nội địa vì mẫu mã không đẹp bằng sản phẩm gừng ở các địa phương khác, dù chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, do trồng gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tại một số địa phương, người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng gừng, đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân trồng gừng tiêu thụ sản phẩm, cải thiện đời sống, giảm thiệt hại trong sản xuất, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã kêu gọi các tổ chức, đơn vị trong huyện vào cuộc hỗ trợ và đã tiêu thụ được khoảng 20 tấn gừng.

Hỗ trợ tiêu thụ đặc sản gừng Kỳ Sơn -0

Hội Nông dân Kỳ Sơn triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gừng. Tính đến nay đã tiêu thụ hơn 60 tấn gừng các loại.

Cùng với đó, ngày 9/3, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, đã có thư ngỏ ý tới Sở Công thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An và các cấp Hội nông dân tỉnh Nghệ An, hỗ trợ tiêu thụ gừng Kỳ Sơn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh cùng các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm gừng Kỳ Sơn để hội viên chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc sản này. Nhiều cấp hội đã trực tiếp lên huyện Kỳ Sơn mua hơn gừng về bán cho từng hộ dân trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ Nguyễn Thanh Phương cho biết, ngay trong đợt đầu tiên, Hội Nông dân huyện Tân Kỳ đã hỗ trợ tiêu thụ được 1,3 tấn gừng cho bà con nông dân huyện Kỳ Sơn. Tới đây, Hội Nông dân huyện tiếp tục kêu gọi các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện tiêu thụ gừng cho Kỳ Sơn, bởi sản phẩm gừng này có chất lượng tốt, người tiêu dùng ưa chuộng.

 Đến cuối tháng 3, số gừng đã được các cấp Hội Nông dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh đã tiêu thụ được hơn 40 tấn, với giá bán hơn 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đây là các con số quá nhỏ so sản lượng gừng hiện có thực tế ở Kỳ Sơn.

Hỗ trợ tiêu thụ đặc sản gừng Kỳ Sơn -0

Phân loại gừng theo các đơn đặt hàng và đóng bao để chở vào các tỉnh phía nam tiêu thụ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn Phan Văn Mạnh chia sẻ: “Hội Nông dân huyện đã trực tiếp đến các bản thu mua gừng giúp bà con, với giá hơn 5.000 đồng/kg. Tiếp đó, Hội Nông dân huyện thuê người phân loại, đóng bao bì và vận chuyển đến tận nơi cho các đơn vị đặt hàng. Ngoài các đơn hàng trong tỉnh, chúng tôi đã kết nối với các tỉnh, thành phố phía nam để có các đơn hàng lớn, từ 5-10 tấn để chuyển đi, trong đó nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh”.

Sở Công thương Nghệ An cũng có văn bản kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp cả nước hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hơn 5.000 tấn gừng tươi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Sở Công thương đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối, tiêu thụ sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân có hành động thiết thực tham gia kết nối, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ các hệ thống phân phối... nhằm tháo gỡ, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng cao.